Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đua lãi suất huy động: Ngày càng nóng

Thanh Hương| 01/03/2016 10:52

(HNMO) – Những ngày qua, nhằm thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư, nhiều ngân hàng thương mại nâng lãi suất huy động ở mức phổ biến 0,1-0,3%, có nơi áp mức lãi suất vượt trội lên tới 8%/năm. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay lên cao.

Thực ra, cuộc đua lãi suất huy động đã bắt đầu từ cuối năm 2015 khi một số ngân hàng thương mại nhỏ tăng lãi suất nhằm thu hút tiền gửi để đáp ứng nhu cầu tín dụng cuối năm. Tuy nhiên, những ngày qua, không những ngân hàng nhỏ mà cả ngân hàng có quy mô lớn cũng vào cuộc khiến việc tăng lãi suất dễ trở thành xu hướng.

Sau Tết nguyên đán, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đưa ra mức lãi suất vượt trội lên tới 8% dành cho kỳ hạn 36 tháng. Nhà băng này cũng áp dụng mức lãi suất cao 7,7%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng và 21 tháng, lãi suất 7,8% cho kỳ hạn 24 tháng. Ngoài ra, OCB cộng thêm 0,1%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến.

Không chỉ OCB áp mức lãi suất 8%/năm mà một số nhà băng khác cũng huy động ở mức này.Ngày 24/2, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) áp dụng mức lãi suất mới cao nhất là 8% thay vì 7,6% như trước cho chương trình khuyến mại dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 15 tháng trở lên với số tiền gửi ít nhất 10 tỷ đồng.

Lãi suất huy động tăng (ảnh minh họa, nguồn: Inernet)


Tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank), nhà băng này đang áp dụng mức lãi suất cao nhất 8%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, nhân viên của SeABank cho biết, để được hưởng mức lãi suất trên, khách hàng cần gửi tiền từ 200 tỷ đồng trở lên/1 sổ tiết kiệm; cùng với đó là phải có quan hệ gửi hoặc vay tại ngân hàng này từ 5 năm trở lên.

Cũng trong xu hướng tăng lãi suất, ngày 23/2, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) thay đổi lãi suất tiền gửi tiết kiệm đồng thời ưu đãi cộng lãi suất tiền gửi online từ 0,1%/năm đến 0,3%/năm so với lãi suất thông thường ở tất cả các kỳ hạn. Ðặc biệt, đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, khách hàng được cộng thêm 0,3%/nãm lãi suất, lãi suất tối đa lên đến 7,5%/năm. Ðây là các mức lãi suất tiền gửi khá cao so với mặt bằng chung thị trường.

Viet Capital Bank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động thông thường mới, trong đó lãi suất 9 tháng 60 tháng có lãi suất từ 7% trở lại, đặc biệt mức lãi suất cao nhất 7,4% dành cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng chỉ áp dụng đối với khách hàng gửi tối thiểu 500 tỷ đồng.

Không chịu kém cạnh, mới đây Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm thường theo hướng tăng nhưng ở mức khiêm tốn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1%, lên 4,7%/năm; lãi suất cao nhất 6,9% dành cho kỳ hạn 36 tháng…

Sau Tết, người dân có nhiều tiền hơn bởi cuối năm được thưởng. Vốn luôn là xương sống của ngân hàng, vì thế, để thu hút nguồn vốn đó, một số ngân hàng tăng lãi suất bởi tăng lãi suất được coi là cách nhanh nhất để thu hút vốn.

Có ngân hàng chưa cần vốn ngay nhưng vẫn đẩy mạnh huy động để duy trì quanh hệ với khách hàng cũ và chờ tăng trưởng tín dụng tăng. Cũng cần nói thêm, năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ít nhất bằng năm ngoái, ở mức 18-20%.

Ngoài ra, thời gian qua, các ngân hàng đổ vốn vào thị trường nhiều, trong đó có thị trường bất động sản, nên thời điểm này họ cần dòng vốn để tài trợ các chương trình tín dụng. Ngân hàng cũng cần có nguồn vốn mới để tạo thanh khoản, mà vốn từ dân cư đang dồi dào nên họ tìm cách thu hút nguồn vốn đó. Đây được coi là những lý do khiến lãi suất huy động tăng như thời gian qua.

“Cũng không loại trừ khả năng có ngân hàng thiếu vốn cần huy động vốn, và họ tăng lãi suất để có vốn nhanh nhằm giữ thanh khoản”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phỏng đoán.

Tuy nhiên, về thanh khoản, vấn đề này có lẽ không đáng lo ngại, bởi theo bản tin mới nhất của Công ty chứng khoản Bảo Việt, tuần qua, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm mạnh sau dịp Tết nguyên đán. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm chỉ còn 1,79%/năm; kỳ hạn một tuần chỉ còn 2,27%/năm; kỳ hạn hai tuần chỉ còn 2,69%/năm-đều giảm hơn 1%/năm so với mức lãi suất của tuần trước đó. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Thanh khoản hệ thống dồi dào khi nguồn tiền từ dân cư và doanh nghiệp đã quay trở lại kênh tiết kiệm trong khi nhu cầu giải ngân vốn tín dụng chưa tăng mạnh trong các tháng đầu năm là nguyên nhân chính giúp lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt nhanh chóng hai tuần vừa qua.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc việc tăng lãi suất huy động có thể sẽ khởi đầu cho một xu hướng tăng lãi suất trong năm nay, từ đó sẽ gây áp lực rất lớn lên lãi suất cho vay. Vì vậy, doanh nghiệp khó có thể tiếp cận vốn giá rẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua lãi suất huy động: Ngày càng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.