Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đổi thay lịch sử

Vân Khanh| 13/02/2011 08:23

(HNM) - Cuộc biểu tình khởi nguồn vì đời sống khó khăn do vật giá leo thang kéo hàng triệu người dân Ai Cập xuống đường đã kết thúc đầy bất ngờ ở ngày thứ 18.


Thời khắc Phó Tổng thống Omar Suleiman lên Truyền hình quốc gia Ai Cập, tuyên bố về quyết định rút lui và trao quyền quản lý đất nước cho quân đội của ông Hosni Mubarak đêm 11-2 (giờ Việt Nam) đã thực sự mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử quốc gia Bắc Phi này.

Sự ra đi của vị Tổng thống uy quyền sau gần 30 năm tại vị không chỉ được nhìn nhận là một lựa chọn cần thiết vào thời điểm căng thẳng hiện nay, mà còn dọn đường cho một tiến trình chuyển giao quyền lực êm thấm ở Ai Cập.


Người Ai Cập ăn mừng khi Mubarak từ chức và "quyền lực nhân dân" được khẳng định. Ảnh: AP


Hình ảnh những người biểu tình tràn đầy Quảng trường Tahir và nhiều khu vực của thủ đô Cairo trong niềm phấn khích khi nghe tin ông Mubarak chấp nhận từ bỏ quyền binh làm nhiều người hiểu rằng, vị Tổng thống 82 tuổi đã đúng khi đưa ra quyết định thật không dễ dàng với một người từng ngồi quá lâu trên đỉnh cao quyền lực. Cuộc ra đi của một chính trị gia lão luyện cho thấy một thực tế - như một cảnh báo - từ Ai Cập rằng, dù nhận được sự hậu thuẫn đáng kể của quân đội, nhưng tương lai chính trị của người đứng đầu đất nước ắt sẽ khép lại khi đa số người dân không còn tin vào một "đế chế" dù được duy trì ngót 1/3 thế kỷ.

Cả Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton… đều đã hoan nghênh sự lựa chọn đáp ứng khao khát thay đổi của dân chúng Ai Cập của ông H.Mubarak như điều kiện quan trọng cho một cải cách nhanh chóng và sâu rộng ở đất nước Kim tự tháp. Nhà Trắng xem đây là "kết thúc có hậu" của cuộc cách mạng bên sông Nile. Diễn biến đầy kịch tính ở quốc gia bên bờ Địa Trung Hải đang làm xoay chuyển lịch sử phát triển hiện đại của đất nước các Pharaoh theo cách mà các cuộc cách mạng đường phố như đã từng thấy ở châu Âu và Trung Á, như một vệt dầu loang làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối ở nhiều quốc gia Trung Đông từ Yemen đến Bahrain và Algeria trong những giờ qua.

Thế nhưng, không khí lễ hội với niềm vui trước một cuộc ra đi… chưa thể khiến người dân Ai Cập quên đi mối lo về bước đi tới tự do của đất nước vừa qua cơn "tai biến" khi quyền binh được trao vào tay các nhà quân sự sẽ được quân đội nước này thực hiện như thế nào. Tư tưởng không ủng hộ đổi mới của vị Bộ trưởng Quốc phòng 72 tuổi được cho là gần gũi với ông H.Mubarak nay đã là cựu Tổng thống, Thống chế Mohamed Hussein Tantawi, đang gây không ít lo ngại về một cuộc bầu cử tự do, con đường duy nhất hướng đến sự ổn định cho vùng đất của các Kim tự tháp.

Tuy nhiên, một sự đảo ngược nào đó để quốc gia 80 triệu dân lại chìm trong bất ổn là khó xảy ra, vì đất nước Ai Cập với chính thể hợp pháp trong những ngày tới nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ, EU và các đồng minh. Washington đã lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh với đồng minh gần gũi này như đã từng thực hiện trong nhiều năm qua tại Trung Đông và Bắc Phi trong thời gian tới; đồng thời không quên bóng gió sẽ cắt khoản viện trợ 1,3 tỷ USD/năm nếu chính quyền mới của Ai Cập bỏ qua sự quan tâm của Nhà Trắng với đất nước trọng yếu này trong khu vực.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận một tương lai nhiều khó khăn đang đón chờ người dân Ai Cập. Nền kinh tế lạm phát cao, thất nghiệp leo thang, kinh tế suy giảm và có tới 40% dân số sống với mức 2 USD/ngày cho thấy cuộc sống phía trước của người dân nơi đây không được trải bằng toàn hoa hồng. Từng có công tạo dựng vị trí không thể thay thế của Ai Cập trong thế giới Arab, cải thiện quan hệ với Israel và thiết lập đồng minh với Mỹ; song, khi giá cả tăng cao và người dân lâm vào nghèo đói, ông H.Mubarak đã buộc phải ra đi dù vẫn duy trì chế độ trợ cấp bánh mỳ được thực hiện lâu nay. Điều này có nghĩa rằng, việc giảm thiểu mặt trái của cải cách là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo đảm một nền kinh tế cân bằng trước những cú sốc khủng hoảng còn quan trọng hơn những bước đi ngắn hạn như trợ cấp cơ bản hay tăng lương và thậm chí là chia sẻ quyền lực...

Cuộc khủng hoảng bất ngờ bùng nổ tại Tunisia và hiện tại là Ai Cập khiến 2 vị tổng thống của thế giới Arab phải ra đi trước làn sóng biểu tình đang không chỉ làm biến đổi hiện trạng thế giới Arab mà còn mang lại bài học xương máu trong thời kỳ hậu suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đổi thay lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.