Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đổi thay được dự báo

Đình Hiệp| 05/07/2011 06:22

(HNM) - Cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn gây nhiều tranh cãi tại Thái Lan cuối cùng đã khép lại với chiến thắng ngoạn mục thuộc về đảng đối lập lớn nhất Puea Thai (Vì nước Thái).

Kết quả cuối cùng do Ủy ban Bầu cử nước này công bố ngày 4-7 cho thấy, đảng Puea Thai đã bỏ xa đối thủ nặng ký nhất trong "cuộc đua song mã" đầy quyết liệt này là đảng Dân chủ (DP) cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva khi giành tới 265/500 ghế Hạ viện, so với con số 159 ghế mà DP kiếm được.

Chiến thắng thuyết phục của đảng Puea Thai do bà Yingluck Shinawatra (em gái cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra) lãnh đạo không quá bất ngờ với gần 50 triệu cử tri đất nước Chùa Vàng cũng như giới phân tích. Các cuộc thăm dò dư luận trước tổng tuyển cử đã dự báo trước điều đó. Bất ngờ lớn nhất chính là việc Puea Thai đã đánh bại DP mà không cần đến bất cứ sự trợ giúp nào của các đảng nhỏ để thành lập chính phủ mới. Việc Puea Thai giành được đa số quá bán trong cuộc bầu cử Hạ viện nhiệm kỳ 2011-2014 đã mở ra bước ngoặt mới trên chính trường Thái Lan khi bà Yingluck chắc chắn trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử quốc gia Đông Nam Á hơn 65 triệu dân này.

Dù chưa có nhiều kinh nghiệm chính trường nhưng đảng Puea Thai của nữ thủ tướng tương lai 43 tuổi này lại có nhiều yếu tố "thiên thời địa lợi" khi tham gia cuộc tổng tuyển cử được xem là quyết liệt nhất trong lịch sử này. Nếu như DP cầm quyền chỉ biết đánh cược số phận của mình vào lá phiếu của tầng lớp trung lưu, thượng lưu khá khiêm tốn ở thủ đô Bangkok và một số đô thị lớn, Puea Thai lại nhận được sự ủng hộ của lượng cử tri đông đảo ở hầu khắp khu vực nông thôn. Không những thế, sự quay ngoắt 180 độ của cử tri ở Bangkok, vốn được coi là "thành trì" vững chắc của DP, vào phút chót để ủng hộ Puea Thai đã chứng tỏ người dân xứ Chùa Vàng đặt kỳ vọng rất lớn vào khả năng chèo lái con thuyền đất nước của nhà lãnh đạo nữ đầu tiên.

Trong bối cảnh một đất nước mà người dân đã quá mệt mỏi với những cuộc biểu tình bạo lực đường phố, đời sống kinh tế - xã hội suy sụp vì bất ổn chính trị kéo dài, một loạt chính sách dân túy thiết thực nhắm đến những tầng lớp yếu thế trong xã hội như nông dân, sinh viên, người nghèo đô thị… được bà Yingluck đưa ra trong cương lĩnh tranh cử là sự khích lệ lớn giúp Puea Thai vượt lên trong cuộc đua này. Với thái độ cầu thị, được đào tạo bài bản tại Mỹ cùng kinh nghiệm thương trường nhiều năm trên cương vị Giám đốc Công ty Bất động sản SC Asset của gia đình Shinawatra, cử tri Thái Lan kỳ vọng bà Yingluck sẽ phát huy hiệu quả sự "nữ tính" để góp phần hóa giải sự mâu thuẫn sâu sắc trong lòng dân tộc hiện nay.

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 2 kể từ khi cựu Thủ tướng Thaksin bị quân đội lật đổ tháng 9-2006 này là cơ hội cuối cùng để Thủ tướng Abhisit cũng như DP thử nghiệm uy tín. Thế nhưng, ước muốn tiếp tục đẩy mạnh các chính sách then chốt nhằm vực dậy nền kinh tế Thái Lan sau khủng khoảng của Thủ tướng Abhisit đã không trở thành hiện thực. Kết cục này không có gì quá ngạc nhiên, bởi DP chưa từng giành thắng lợi trong bất cứ cuộc tổng tuyển cử nào ở nước này từ trước tới nay dù là đảng có tuổi cao nhất. Thẳng thắn thừa nhận thất bại không mong muốn này, Thủ tướng Abhisit ngày 4-7 đã quyết định từ chức Chủ tịch DP để mở đường cho một cuộc bầu chọn người lãnh đạo mới khi bày tỏ sẵn sàng nhường chiếc "ghế nóng" cho bà Yingluck sau hai năm rưỡi cầm quyền đầy áp lực.

Cuộc tổng tuyển cử vừa kết thúc tại Thái Lan là bước đi quan trọng nhằm góp phần hóa giải những bất đồng chính trị kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi những bất ổn này chưa có dấu hiệu lắng dịu, việc thành lập chính phủ mới sau bầu cử đang là chủ đề nóng được dư luận quan tâm. Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu quân đội và Hoàng gia có chấp nhận một chính phủ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin hay không, khi sự chống đối của giới thượng lưu và một bộ phận tướng lĩnh quân đội, nhất là những người từng góp tay lật đổ ông năm 2006 là điều khó tránh khỏi.

Cùng với đó, tương lai không mấy sáng sủa của nền kinh tế đầu tàu khu vực ASEAN vốn bị tác động nhiều sau khủng hoảng là điều khiến cử tri Thái Lan không khỏi quan ngại khi lạm phát lên tới 4,2% trong tháng 5-2011, mức cao nhất trong hơn 2 năm qua. Cơn bão lạm phát được dự báo sẽ bùng phát lên tới gần 15% khi Puea Thai cam kết sẽ nâng mức lương tối thiểu khoảng 40% hiện nay lên 300 baht (15 USD) một ngày, ngay sau khi thành lập chính phủ mới. Chính trường Thái Lan vừa chứng kiến một cuộc đổi thay được dự báo, nhưng tương lai sẽ như thế nào vẫn là câu hỏi lớn mà người dân đất nước Chùa Vàng quan tâm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đổi thay được dự báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.