Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đời bị đánh cắp ở Auschwitz

Hạ Yến| 17/05/2023 22:13

(HNMO) - Auschwitz luôn là “từ khóa” đầy ám ảnh trong những cuốn sách viết về Thế chiến II. “Từ Parczew đến Auschwitz: Đi tìm những cuộc đời bị đánh cắp” là chủ đề tọa đàm do Nhà Xuất bản Trẻ phối hợp với Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Goethe tại Hà Nội tổ chức ngày 17-5, trong khuôn khổ “Những ngày văn học châu Âu 2023”.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Chưa từng được gặp ông bà ngoại trong đời, nhưng nỗi đau “gia đình tôi là một gia đình mồ côi” và cảm giác về “những người thân thuộc xa lạ” đã thúc đẩy tác giả Ivan Jablonka ngược dòng lịch sử, đi qua nhiều quốc gia và huy động sự giúp sức của hàng trăm con người sống trên 3 lục địa để điều tra, truy vết, nhặt nhạnh từng mảnh thông tin dù mong manh và vụn vặt tới đâu về ông bà mình mà viết nên những trang sách đầy ám ảnh “Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi”.

Hai nhân vật trung tâm của cuốn sách là ông Matès và bà Idesa Jablonka - hai người Do Thái cộng sản. Cuộc đời họ là chuỗi ngày sống ẩn dật, lang bạt từ Ba Lan tới Pháp, Đức dưới sự lùng bắt ráo riết của bọn Quốc xã. Họ là hai trong số khoảng 1,1 triệu người Do Thái đã bị thảm sát trong các phòng hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz (Ba Lan).

Ông bà Jablonka chỉ là những người Do Thái gần như vô danh, cho đến khi cuộc đời ngắn ngủi bị tước đoạt, họ chẳng để lại gì ngoài hai đứa con thơ dại, xấp thư cái còn cái mất, một cuốn hộ chiếu và những mẩu chuyện vụn vặt mong manh như tro tàn.

Lần tìm về cuộc đời và cái chết của ông bà, phục chế phần trang sử gia đình từng bị Thế chiến II và nạn diệt chủng Do Thái, tác giả Ivan Jablonkca chia sẻ: “Qua cuốn sách này, tôi muốn đồng thời viết một “vi lịch sử” và một lịch sử quần chúng để chứng minh rằng, hai đối tượng vô danh này có một hành trình chung, liên quan đến tất cả mọi người. Cái mà chúng ta gọi là lịch sử được hình thành từ cuộc đời của mỗi cá nhân, từ những lịch sử gia đình, từ những cuộc đời của cha ông chúng ta”.

Ivan Jablonka đã đặt bút viết ảnh “Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi” từ hai góc nhìn. Góc nhìn của một sử gia kiêm nhà văn và góc nhìn của một đứa cháu trai tìm lại những di sản đã mất của gia đình. Phần lớn thời gian, hai con người ấy tách biệt, nhưng cũng không thiếu những khoảnh khắc nghẹn ngào, nhất là khi có những khoảng trống trong tim mãi mãi không thể lấp đầy.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương, tác giả Ivan Jablonka là một đại diện quan trọng của tiểu thuyết Pháp và dòng văn học phi hư cấu đương đại với bút pháp kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu lịch sử và sáng tác văn học. Qua “Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi”, nhà văn đã biến câu chuyện của những người vô danh bé mọn thành những tác phẩm pha trộn thể loại - có điều tra, trinh thám, ký lịch sử hay tiểu luận chính trị và xã hội bằng một giọng văn tinh tế, cảm thương, nhân ái và trắc ẩn.

Ra mắt độc giả năm 2012, cuốn “Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi” đã giúp Ivan Jablonka giành nhiều giải thưởng quan trọng như “Le Prix de Sénat cho sách lịch sử, giải Guizot do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng, Giải thưởng Augustin-Thierry trong khuôn khổ sự kiện Rendez-vous de l'Histoire…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đời bị đánh cắp ở Auschwitz

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.