(HNM) - Sau 5 năm ấp ủ và thực hiện, bộ phim “Những cánh én đầu tiên” về trận chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam với Không quân Mỹ ngày 4-4-1965, đã ra mắt công chúng...
Hơn một tuần sau buổi công chiếu tại Hà Nội, những bàn luận về phim còn sôi nổi trên các diễn đàn. Đáng nói, bộ phim này là thành quả dấn thân của những người trẻ đến từ Xưởng phim Én Bạc, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).
Khi “Những cánh én đầu tiên” “bay” ra Hà Nội, tất cả các suất chiếu đều “cháy” vé. Bất ngờ là trong dòng người xếp hàng háo hức đón xem không chỉ có những cựu chiến binh, những người hoạt động trong lực lượng phòng không, không quân hay những người đã từng đi qua chiến tranh mà phần lớn là các bạn trẻ. Đây là bộ phim tài liệu lịch sử tạo hiệu ứng phòng vé hiếm thấy ở Hà Nội.
“Những cánh én đầu tiên” nằm trong dự án “Không chiến Việt Nam” do Trường Đại học Duy Tân đầu tư sản xuất thông qua Xưởng phim Én Bạc của nhà trường. Đạo diễn Lê Nguyên Bảo, người khởi xướng dự án này cho biết, anh đã xem nhiều phim tài liệu về lịch sử các trận không chiến trên thế giới, có cả những phim về trận không chiến tại Việt Nam do nước ngoài sản xuất. Và thể loại phim này rất có sức hút với khán giả. Lòng tự tôn dân tộc cùng với ham mê tìm hiểu lịch sử, khoa học, công nghệ đã thôi thúc anh lên ý tưởng sản xuất phim về những trận không chiến oanh liệt của Không quân nhân dân Việt Nam, trước hết là dành cho người Việt Nam thưởng thức, sau đó là giới thiệu với bạn bè quốc tế.
“Những cánh én đầu tiên” dài 40 phút, về trận chiến của Không quân nhân dân Việt Nam vào ngày 4-4-1965 để bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Biên đội máy bay MIG-17 gồm phi công Trần Hanh - Biên đội trưởng (số 1), Phạm Giấy (số 2), Lê Minh Huân (số 3), Trần Nguyên Năm (số 4) đã dũng cảm chiến đấu với đối thủ vượt xa mình cả về số lượng lẫn khí tài, bắn rơi máy bay F-105 được mệnh danh là Thần Sấm của địch và bảo vệ thành công cây cầu huyết mạch trên tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bộ phim gồm 2 phần, trong đó phần đầu tái hiện trận không chiến qua những thước phim tài liệu, kỹ thuật đồ họa, lời kể của nhân chứng, nhà nghiên cứu quân sự, nhà nghiên cứu lịch sử…
Đặc biệt, phần này có sự xuất hiện của Trung tướng Trần Hanh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người trực tiếp tham gia trận không chiến ấy và cũng là người duy nhất của ta trở về. Qua đó, người xem hình dung được lịch sử với những phân tích, nhận định, đánh giá khá logic, thuyết phục. Phần hai của phim là minh họa trận chiến bằng kỹ thuật điện ảnh hiện đại với các diễn viên thật. Đây mới chính là phần đặc sắc và làm cho bộ phim hấp dẫn giới trẻ, truyền đạt câu chuyện lịch sử bớt khô cứng hơn so với những phim tài liệu lịch sử trước đây.
Làm phim đầu tay, thiếu cả về phương tiện, kỹ thuật và nhân lực, biên tập quay phim Thái Bảo Long kể, có lúc đoàn làm phim phải dùng thùng carton ghép thành buồng phi công để tạo cảm giác thật cho diễn viên. Diễn viên thường xuyên phải mặc bộ quần áo phi công 3-4 lớp quay giữa nắng miền Trung hơn 40 độ, cảm sốt là chuyện bình thường. Tuy những thước phim chưa thật hoàn hảo nhưng người xem cảm thấy hợp lý. Quan trọng hơn, cảm xúc, cao trào được đẩy tới đủ để thỏa mãn khán giả.
Có mặt ở buổi công chiếu tại Hà Nội, Trung tướng Trần Hanh xúc động chia sẻ, bộ phim đã tái hiện tốt khoảnh khắc sống động, quyết liệt của trận chiến. Ông tin rằng, qua bộ phim này, khán giả sẽ hiểu được chiến tranh thực tế ác liệt như thế nào và trân trọng hơn hòa bình hôm nay. Dự kiến, thời gian tới, “Những cánh én đầu tiên” sẽ đến với khán giả thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và nhiều đơn vị quân đội. Xưởng phim Én Bạc cũng không giấu ý định thực hiện bộ phim tiếp theo về đề tài này, nhưng có thể đó là phim truyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.