(HNM) - Ngay trước khi lên đường thăm chính thức Philippines (19-1), nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã thực hiện một bước đi được xem là cần thiết trong bối cảnh Thái Lan hiện nay để sốc lại "bộ máy" nội các.
Hiện còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của cỗ máy mới - vừa được đệ trình lên để đức Vua Bhumibol Adulyadej phê chuẩn - nhưng dù sao bước đi đầu tiên sau 6 tháng nhậm chức của Thủ tướng Y.Shinawatra vẫn được kỳ vọng sẽ đem lại làn gió mới cho xứ Chùa Vàng.
Người dân Thái Lan kỳ vọng cuộc cải tổ nội các của nữ Thủ tướng Y.Shinawatra sẽ thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế đất nước. |
Không như những người tiền nhiệm khi chỉ thay đổi một vài vị trí trong nội các, cuộc đại tu được thực hiện khá quyết liệt. Có tới 16 bộ trưởng, trong đó một số bộ trưởng được chuyển sang vị trí khác cho thấy quyết tâm đầy cứng rắn của nhà lãnh đạo "chân yếu tay mềm" 45 tuổi này. Nhằm bổ sung những lãnh đạo có năng lực, "tìm đúng người, đặt đúng chỗ" cho các bộ, ngành cũng như cho các lĩnh vực hoạt động khác của liên minh sáu bên cầm quyền để khắc phục cho được những nhược điểm của nội các cũ là trọng tâm ưu tiên của cuộc cải tổ.
Theo đó, các bộ như: quốc phòng, giao thông, tài chính, thương mại, giáo dục và công nghiệp sẽ có thủ lĩnh mới. Đáng chú ý là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Kittirat Na-Ranong sẽ làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính thay ông Thirachai Phuvanatnaranubala. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Yutthasak Sasiprapa được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, trong khi vị trí này được giao lại cho nguyên Bộ trưởng Giao thông Sukampol Suwannathat. Thứ trưởng Bộ Tài chính Boonsong Teriyaphirom được cử làm Bộ trưởng Thương mại. Bên cạnh đó, 9 thành viên nội các gồm 1 Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng và 5 Thứ trưởng phải từ nhiệm và được thay thế bằng các Hạ nghị sỹ thuộc đảng Vì nước Thái (Puea Thai) cầm quyền hoặc các chuyên gia kinh tế đầu ngành.
Một trong 5 thách thức lớn với nữ Thủ tướng Y.Shinawatra khi lên nắm quyền được giới phân tích đưa ra là bài toán nhân sự. Đó là cuộc "chia ghế" cho các thành viên kỳ cựu của Puea Thai, các đảng nhỏ trong liên minh và các thủ lĩnh "áo đỏ" như thế nào cho hợp lý, đủ làm hài lòng các bên liên quan đã giúp đảng Puea Thai rất nhiều trong thời gian vừa qua. Điều đáng nói là trong cuộc cải tổ này, Thủ tướng Y.Shinawatra đã bổ nhiệm thủ lĩnh chủ chốt của phe "áo đỏ" Nattawut Saikuar giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp. Việc ông Nattawut trở thành người đầu tiên của phe chống đối chính phủ có chân trong nội các được xem là nước cờ mạo hiểm của bà Y.Shinawatra khi những gì mà lực lượng "áo đỏ" từng gây ra cho đất nước Chùa Vàng chưa thể khiến những lực lượng đối lập khác quên đi. Đó là chưa kể đến cánh quân sự cũng như chính giới và Hoàng gia.
Một sự cố xảy ra trong cuộc cải tổ vừa qua khiến Chính phủ của Thủ tướng Y.Shinawatra lúng túng là nữ chính khách Nalinee Taveesin - vừa được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng - bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào "danh sách đen" với cáo buộc có quan hệ làm ăn với gia đình Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Theo luật Mỹ, bà Nalinee Taveesin sẽ bị cấm giao dịch tài chính với các công dân và thể chế tài chính của nước Mỹ. Mặc dù bà Nalinee đã phủ nhận mọi cáo buộc khi nói rằng chưa bao giờ thực hiện bất kỳ thương vụ làm ăn nào với gia đình Tổng thống Mugabe, nhưng "sự cố" này cũng đã phần nào ảnh hưởng tới Thủ tướng đương nhiệm khi có ý kiến cho rằng, cuộc cải tổ nội các đã hướng đến quan hệ thân quen và "gia đình trị" vì nhiều đồng minh của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ có chân trong nội các.
Trở thành Thủ tướng thứ 28 của Thái Lan và là nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử của xứ Chùa Vàng, những thách thức trên cương vị mới của bà Y.Shinawatra là không hề nhỏ trong bối cảnh xã hội Thái Lan bị chia rẽ và phân cực sâu sắc sau những cuộc biểu tình hồi năm ngoái. Liệu cuộc "đại tu" có đánh dấu một sự khởi đầu mới cho xứ Chùa Vàng trong năm mới 2012 này hay không sẽ là câu hỏi để ngỏ trong những ngày đầu năm mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.