(HNM) - Ủng hộ chính sách
Muốn mở chiếc van chính sách tài khóa vốn đã bị các chủ nợ nghiêm khắc chốt chặt nhằm phong tỏa sự lây lan của căn bệnh nợ công và giúp Athens "trị thương", lãnh đạo mới của Hy Lạp đang thể hiện một cách tiếp cận mềm dẻo hơn trong chiến lược giải quyết nợ nần.
Chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã gây nhiều bất ổn xã hội tại Hy Lạp. |
Từng đối diện với làn sóng phản đối dữ dội các chương trình sa thải nhân công, tăng thuế, giảm an sinh xã hội… để thắt chặt chi tiêu công, sự chán chường của dân chúng có lúc như đã hứa hẹn chiến thắng cho những lãnh đạo có quan điểm phản đối buộc bụng thắt lưng tại Hy Lạp. Do đó, cuộc đảo chiều không thành đã không chỉ khẳng định sự lựa chọn ở lại với Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) của người dân Hy Lạp mà còn phản ánh một cái nhìn thực tế của phần đông người dân nước này rằng nếu không biết cách chi tiêu, đất nước của các vị thần chắc chắn phải phá sản. Sau nhiều phen thập tử nhất sinh, Athens đã có bài học là nếu tiếp tục chương trình "kiêng khem" hà khắc như hiện nay, sự phẫn nộ của dân chúng không chỉ đem đến bất ổn xã hội mà còn khiến nền kinh tế càng khó thoát khỏi vòng xoáy nợ nần và suy thoái.
Muốn đàm phán lại các thỏa thuận khắt khe để nhận gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ Troika, Thủ tướng Antonis Samaras cho thấy đường lối mới của chính phủ đương nhiệm Hy Lạp là không cắt giảm thêm việc làm tại khu vực nhà nước và tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng hơn là siết chặt tài chính. Đã có không ít ý kiến cho rằng muốn ra khỏi nợ nần, giải pháp bền vững và lâu dài nhất là các nền kinh tế "bị bệnh" phải tăng trưởng. Song triển vọng này lại là kẻ thù của "thắt lưng buộc bụng". Việc Hy Lạp đã rơi vào suy thoái năm thứ 5 liên tiếp và trong năm nay GDP còn có thể giảm 6,7%, cao hơn nhiều so với dự báo 4,5% thật khó có thể thuyết phục dư luận là đất nước Nam Âu sẽ sớm bình phục. Đề nghị xin gia hạn thêm hai năm trong thực hiện mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách cũng không nằm ngoài kế hoạch giảm bớt sự ngột ngạt xã hội do các biện pháp khắc khổ tạo nên. Cân đối giữa giảm thâm hụt và thu ngân sách là chìa khóa cho cuộc vượt thoát gian khổ của Hy Lạp. Đáng tiếc là, các số liệu thống kê mới nhất vẫn phát đi tín hiệu Athens chưa đạt được sự cân bằng cần thiết đó. Trong 5 tháng đầu năm nay, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp là 10,87 tỷ euro, thấp hơn dự kiến 12,89 tỷ euro trước đó. Thế nhưng, thu ngân sách lại chỉ đạt 19,67 tỷ euro so với mục tiêu 20,6 tỷ euro vì tiêu dùng nội địa suy giảm.
Cuộc gặp tay tư dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng được cho là sẽ khó theo ý của Athens. Ngoài Đức kiên quyết phản đối nới lỏng các chính sách chi tiêu khắc khổ, IMF cũng tỏ ý không nhượng bộ về những thỏa thuận nợ mà Hy Lạp đã từng cam kết. Mặc dù vậy, một thỏa hiệp giữa chủ nợ và "con nợ" cũng đã được các bên tính tới nhằm tránh một cuộc đổ vỡ không mong muốn của Eurozone. Sự tồn vong của Hy Lạp hiện không chỉ có ý nghĩa với riêng quốc gia này mà còn nắm giữ cả sinh mệnh của liên minh tiền tệ lớn nhất hành tinh cũng như sự ổn định của kinh tế thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.