(HNM) - Mua sách để đọc, hẳn rồi. Nhưng thị trường sách những năm gần đây lại cho thấy những “ứng dụng” khác ngoài việc đọc. Thú chơi sách, sưu tầm sách đã xuất hiện từ rất lâu. Nhưng bây giờ thú chơi ấy còn được nâng tầm giá trị bởi những “phụ kiện” ngoài văn chương…
Dòng sách đặc biệt nổi lên những năm gần đây khiến thị trường sách trở nên sôi động. Không chỉ còn đơn thuần là bìa cứng, giấy đẹp như những ngày đầu dòng sách này mới ra mắt, giờ đây các đơn vị làm sách ngày càng có nhiều sáng tạo để thu hút, phục vụ nhu cầu đa dạng và tinh tế của độc giả.
Thời nào cũng vậy, luôn có những độc giả mê văn chương mong muốn được gặp gỡ các tác giả, dịch giả mình hâm mộ, để không chỉ giao lưu mà còn xin được “chữ ký tươi” của các nhà văn. Nắm bắt tâm lý này, dòng sách bản đẹp, bản đặc biệt đã “gây bão” trong lòng độc giả với các ấn bản đặc biệt được “đính kèm” sẵn chữ ký của nhà văn, dịch giả, họa sĩ minh họa, cùng với đó là dấu triện son tên của đơn vị xuất bản hay tên của tủ sách. Nếu những chữ ký làm thỏa mãn người yêu văn chương thì dấu triện son góp phần cho cuốn sách thêm sang. Việc đánh số cho các ấn bản đặc biệt cũng là một “chiêu” hút khách của các đơn vị làm sách. Đặt mua ấn bản đặc biệt, những người nhanh tay có thể chọn được cho mình con số yêu thích, số gắn liền với kỷ niệm cuộc đời, hay chỉ đơn giản là một con số dễ nhớ nào đó.
Song, khi thị trường sách đánh dấu sự tham gia của nhiều đơn vị làm sách với các dòng đặc biệt, giới hạn, thì cũng là khi ấn bản bìa cứng, ép nhũ, có đánh số, có chữ ký và triện son đã bắt đầu giảm sút “tính đặc biệt” trong mắt độc giả. Lúc này, nét đặc biệt đã dịch chuyển sang chất liệu làm sách với sự lựa chọn hết sức kỳ công. Không dừng ở bản bìa cứng thủ công đơn thuần nữa, đã xuất hiện những ấn bản bìa da sang trọng và lịch lãm, bìa lụa thủy ấn độc đáo mà ảo diệu, bìa trúc chỉ đặc sắc khi tương tác ánh sáng, bìa vải ép nhũ đầy ấn tượng, bìa vải đũi thêu tay tên sách hết sức tinh tế. Các trang ruột sách cũng được đầu tư in giấy định lượng cao, một số cuốn còn được in giấy dó thủ công, bụng sách thếp vàng. Gần đây, dòng sách đặc biệt của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện ấn bản vi quyển (miniature books) đầy ấn tượng với khổ sách nhỏ xinh 5,5x7,6cm như bộ sách “Những người phụ nữ bé nhỏ”, “Thể xác và tâm hồn”…
“Khoác” tấm áo đặc biệt cho các phiên bản sách không thể không kể đến những boxset (hộp sách) thật cuốn hút. Không chỉ những tác phẩm nhiều tập như “Tám triều vua Lý”, “Bão táp triều Trần”, “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Harry Potter”… được thiết kế hộp đựng cho cả bộ, mà các tác phẩm cùng tác giả hay cùng đề tài cũng được tái bản và làm mới trong các boxset đẹp mắt. Càng ngày các boxset càng đậm “chất chơi”. Này là boxset có các tập sách ghép lại tên truyện hay thành một bức tranh, kia là boxset rực rỡ sắc màu, lại có những boxset dạng vali đầy chất trinh thám của các thám tử Sherlock Holmes, thám tử Kỳ Phát… khiến không ít độc giả mê mẩn, đến nỗi dù đa phần các tác phẩm này đều đã đọc, đã sở hữu mà vẫn không thể kiềm chế việc tiếp tục “mở hầu bao” chỉ vì cái boxset. Để rồi, sách đã có thì dành để đọc, còn boxset mới thì “để sưu tập, để ngắm, để vuốt ve thôi cũng cảm thấy vui vẻ”, một độc giả đam mê sách tâm sự.
Ngoài các boxset làm bằng bìa cứng, thị trường sách Việt còn xuất hiện những bộ hộp gỗ tinh tế, hay những cuốn sách có đề tài truyền thống như “Truyện Kiều”, như “Sách Tết”, “Hồi ức về kinh thành Huế thế kỷ XIX”… được đặt trong những hộp sơn mài sang trọng. Dường như sự phát triển của dòng sách đặc biệt thời gian qua cũng đã góp phần tạo thêm cơ hội sáng tạo và phát triển của một số nghề truyền thống làm giấy dó, sơn mài, đồ da thủ công, thêu, dệt vải đũi,…
Giá trị tăng thêm của những cuốn sách đặc biệt còn ở những món quà đặc biệt đi kèm. Tác phẩm “Tiêu Sơn tráng sĩ” tặng kèm quạt giấy minh họa do các nghệ nhân làng nghề Chàng Sơn tỉ mỉ gia công. “Thương nhớ thời bao cấp” tặng kèm bộ tem phiếu và bìa cấp phát văn hóa phẩm gợi nhớ thời quá vãng. “Hà Nội quán xá phố phường” gắn kèm một tranh popup 3D mô hình địa danh Hà Nội. “Việt Nam sử lược” kèm theo tấm bản đồ Hà Nội năm 1873, tỷ lệ 1:12.500. Hay cuốn “Cũ” mang đến cho độc giả vài món đồ chơi dễ thương của tuổi thơ... Nhiều cuốn sách đặc biệt khác tặng kèm các món quà như móc khóa bìa sách, huy hiệu, khung ảnh…
Ông Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam, khẳng định, “những phụ kiện đi kèm bản giới hạn không đơn giản chỉ là một món đồ. Đó là cả tâm huyết. Những phụ kiện này không chỉ tăng tính thẩm mỹ và tiện dụng cho người đọc, mà còn khẳng định những giá trị đặc biệt, ý nghĩa, tạo nên xu hướng sưu tầm những ấn phẩm đẹp - độc - lạ”. Tri Thức Trẻ Books của ông Đỗ Kim Cơ là đơn vị đã sáng tạo nhiều ấn bản độc đáo với các phụ kiện đi kèm được đông đảo độc giả đón nhận và yêu thích như bàn cờ tướng, tượng Tây Du Ký, quạt Tiêu Sơn tráng sĩ, kẹp sách đồng, tre…
Những “phụ kiện” đi kèm phổ thông và được yêu thích nhất vẫn phải kể đến các bộ bookmark (kẹp đánh dấu sách), postcard (bưu thiếp), flash-card (thẻ thông tin) có liên quan đến nội dung sách. Như cuốn “199 mấy hồi ấy làm gì” với tấm bookmark là một chú lật đật gắn với tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x. “Người Hà Nội chuyện ăn uống một thời” có một bộ postcard 6 tấm tranh về Hà Nội do một họa sĩ người Pháp thực hiện. Cuốn “Bản đồ” tặng bộ flash-card sinh động…
Song so với ấn bản phổ thông, tranh minh họa có lẽ là món quà đặc biệt nhất của các ấn bản đặc biệt, nó làm tôn lên những giá trị mới cho một tác phẩm văn chương đã quá quen thuộc. Nhiều tác phẩm nổi tiếng đã được tái bản rất nhiều lần như “Truyện Kiều”, “Lục Vân Tiên”, “Lĩnh Nam chích quái”…, nhưng thời gian qua những phiên bản đặc biệt vẫn cứ làm nhiều độc giả muốn “phát cuồng” khi khoác lên tấm áo minh họa quá ấn tượng. Cùng là “Dế mèn phiêu lưu ký”, độc giả có thể lựa chọn giữa nhiều phiên bản minh họa bởi họa sĩ Ngô Mạnh Lân, Tạ Huy Long hay họa sĩ trẻ Đậu Đũa.
Cuốn “Xóm cầu mới” của Nhất Linh được ra mắt ấn bản bìa cứng với quà tặng là bookmark và bộ postcard 3 tấm, trong đó có 2 bức tranh nổi tiếng của Nhất Linh và một bức hình Nhất Linh thổi kèn clarinette giữa núi rừng Đà Lạt. Hay các tranh minh họa của họa sĩ Thành Chương trong tuyển tập truyện ngắn “Người kép già” thu hút người mê sách đến mức mong muốn được sở hữu không chỉ một cuốn sách ấn bản đặc biệt mà còn có thêm một trong số những bức tranh minh họa đã được in trong sách. Các tranh minh họa này sau đó đã được đấu giá ở mức khá cao.
Cuộc chơi của các “phụ kiện” ngoài văn chương hiện vẫn đang đầy cuốn hút. Giờ đây, một cuốn sách “mười phân vẹn mười” không còn chỉ dừng ở nội dung nữa. Với thú chơi sách “đệ nhất phong lưu” mà nhiều người đang đam mê theo đuổi, các ấn bản sách còn phải hướng đến “độc, đẹp, lạ” cả về hình thức cũng như các phụ kiện đi kèm. Sách để đọc hay để trưng bày, câu hỏi này đã được đặt ra trong một số diễn đàn đọc sách. Trả lời câu hỏi này có lẽ là điều không cần thiết, bởi một điều rõ ràng, dù để đọc hay để trưng bày thì một cuốn sách đẹp sẽ tăng thêm giá trị thẩm mỹ, gợi mong muốn khám phá nội dung và chắc chắn sẽ làm vui lòng người sở hữu, sử dụng chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.