(HNM) - Quan hệ Mỹ - Trung vừa thêm sóng gió khi Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR), ngày 17-9, khẳng định Mỹ đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cáo buộc Trung Quốc trợ giá cho ngành ô tô và phụ tùng thay thế trong nước, gây bất lợi cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ.
Theo USTR, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận thương mại quốc tế khi áp thuế chống bán phá giá và chống trợ giá với một số chủng loại ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Cụ thể, mức thuế mới mà Trung Quốc áp cho các dòng xe thương hiệu GM và Chrysler là 12,9% và 8,8%. Tổng trị giá mức thuế này lên tới hơn 3 tỷ USD đã tác động đến 92.000 xe, chiếm hơn 80% số ô tô xuất khẩu/năm từ Mỹ sang Trung Quốc. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu bị cấm theo quy định của WTO được Trung Quốc thực hiện đã "bơm" hơn 1 tỷ USD dưới dạng các khoản "trợ giá" dành cho các nhà xuất khẩu ô tô từ năm 2009-2011. Hiện Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu xe nguyên chiếc sang các quốc gia đang phát triển. Các nỗ lực cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Mỹ đã giúp Trung Quốc tăng kim ngạch xuất khẩu xe hơi và phụ tùng xe hơi từ 7,4 tỷ USD/năm lên tới 69,1 tỷ USD/năm trong vòng một thập kỷ qua. Hồi tháng 3 năm nay, 188 thành viên Quốc hội Mỹ đã cảnh báo việc Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước cùng chính sách hạn chế nhập khẩu linh kiện từ Mỹ đã đẩy công nhân Mỹ vào thế khó và đòi Nhà Trắng phải đưa vấn đề này thành ưu tiên hàng đầu. Ngành sản xuất phụ tùng xe hơi ở Mỹ đã giảm một nửa số nhân công từ năm 2001 đến 2010, trong khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng gấp 7 lần trong khoảng thời gian này.
Ngay sau quyết định của USTR, Trung Quốc đã lập tức kiện lên WTO về đạo luật mới của Mỹ đưa ra hồi tháng 3 vừa qua cho phép Mỹ thực hiện các biện pháp chống phá giá nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc (gồm: thép, lốp xe, hóa chất, thiết bị nhà bếp, sàn gỗ…) để trả đũa biện pháp trợ giá thúc đẩy xuất khẩu của Bắc Kinh. Trung Quốc cho rằng, các biện pháp chống phá giá của Mỹ với hàng hóa của Trung Quốc khiến các doanh nghiệp nước này trở nên khó khăn hơn.
Đây không phải là lần đầu Trung Quốc và Mỹ kiện nhau ra WTO về các rào cản thương mại và chính sách trợ giá hàng hóa… Tuy nhiên, vụ kiện ngày 17-9 là căng thẳng mới nhất trong quan hệ thương mại Bắc Kinh - Washington; đồng thời là một động thái mới của chính quyền Obama sau khi đối thủ Mitt Romney cáo buộc Tổng thống đương nhiệm Barack Obama quá mềm mỏng với Trung Quốc - một vấn đề nhạy cảm trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 6-11 sắp tới ở các bang có ngành công nghiệp ô tô phát triển. WTO cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ thương lượng với nhau để giải quyết trong thời gian 60 ngày, chậm nhất tới tháng 11-2012. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, WTO sẽ tiến hành xét xử, trình tự xét xử kéo dài trong hai năm.
Dù Mỹ, Trung Quốc cùng các thành viên khác của nhóm Các nước phát triển và mới nổi (G20) đã cam kết sẽ tránh những bước đi gây ảnh hưởng đến thương mại và sự phát triển toàn cầu, nhưng các bên vẫn không ngừng cáo buộc lẫn nhau về những biện pháp thương mại không công bằng. Tuy nhiên, việc đưa nhau ra WTO cũng là hành động bất đắc dĩ, bởi thực tế Washington và Bắc Kinh là hai "đầu kéo" kinh tế toàn cầu và phụ thuộc vào nhau rất nhiều.
Một nước xuất khẩu lớn nhất thế giới như Trung Quốc rõ ràng không muốn mất đi một thị trường tiềm năng như Mỹ - trong khi đang nắm giữ nhiều tài sản của Mỹ, chủ yếu là trái phiếu ngân hàng Mỹ. Nhưng, nếu cuộc chiến xe hơi Mỹ - Trung không hạ nhiệt, xứ Cờ hoa sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn khi hậu quả tồi tệ của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu chưa đến hồi kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.