(HNM) - Cuốn sách
Tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa giao lưu với các độc giả tại buổi ra mắt cuốn sách "Cuộc chiến tuổi dậy thì". Ảnh: Lê Thanh |
"Cuộc chiến tuổi dậy thì" giản dị, hấp dẫn ở chỗ nó không phải là những chia sẻ, phân tích học thuật của một nhà khoa học, mà là câu chuyện hoàn toàn có thật rút ra từ 6 năm "sống chung" với "cơn lũ" tuổi dậy thì của cậu con trai tác giả. Cái tuổi mà như chị viết là "lúc tươi lúc héo, như một bức tranh lập thể đủ hình khối, lắm sắc màu, thật khó đọc, lắm khi hoang mang, tuyệt vọng, khi lại ngỡ ngàng, xúc động...". Nó khiến cho người mẹ luôn trong tư thế 3 sẵn sàng: Sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng ứng phó và sẵn sàng... "câm điếc" (khi tuổi dậy thì lên cơn cáu gắt)... Giờ đây, như tác giả chia sẻ thì cậu con vừa đi du học ở Đức và đã tạm ký "lệnh tha bổng" cho phụ huynh...
Trong suốt 4 chương của tác phẩm, gồm: Sự xuất hiện của chàng tí hon khổng lồ, "Cửa ải" nhà trường, "Cuộc chiến" với tuổi dậy thì, Hàng độc, bạn đọc đều như thấy có hình bóng của mình, những đứa trẻ của mình và những thách thức của không gian gia đình thời hiện đại... Làm thế nào để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn "bùng nổ năng lượng" này với những kinh nghiệm "xương máu" như đừng công khai "phá" tình cảm tuổi mới lớn mà hãy tranh thủ mặt tích cực của nó; xoa dịu cơn thịnh nộ bằng sự hài hước; có nên vội vã sợ hãi trước cuộc bỏ nhà ra đi đầu tiên của tuổi dậy thì hay cũng phải để cuộc đời dạy cho con những bài học... Tác phẩm cũng thể hiện sự chân thành, có thể nói đến rơi nước mắt của người mẹ khi không phải kể về con chỉ để ghi nhận những điều tốt đẹp mà thật ra là để "trút bầu tâm sự". Tâm sự về sự thật hiển nhiên là "nước mắt luôn luôn chảy xuôi" và trẻ em thời nay "vượt sướng còn khó hơn vượt khổ"...
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa vốn là nhà giáo, quen đứng trên bục giảng nên chị nói cũng sinh động như viết. Nhưng sân khấu cuộc đời cũng như sân khấu giao lưu hôm ấy đều phải chứng kiến cả tiếng cười lạc quan lẫn giọt nước mắt của một người mẹ như muôn người mẹ khác trong thời buổi "@" này. Tác giả thốt lên: "Có lúc định bó tay đầu hàng nhưng không thể. Bởi mình đã sinh ra nó, mình phải có trách nhiệm với con và với xã hội" và "Chính vì có món hàng độc là thằng con giai mà tôi học được cách làm mẹ, làm thầy. Ai đó đã nói tuổi con bằng tuổi cha mẹ, thật đúng!".
Cuộc giao lưu về chủ đề nóng bỏng này cũng ghi nhận những câu chuyện khiến độc giả lặng người như chuyện "thần đồng" Đỗ Nhật Nam từng bị một nhóm các anh lớn đánh cho tím bầm cả lưng vì "mày là đứa không có tuổi thơ, tao phải đánh cho mày có tuổi thơ". Chị Phan Hồ Điệp, mẹ Nam nhớ lại khi ấy mình đã phải chạy lên phòng riêng và khóc như chưa bao giờ được khóc. Chuyện đã qua, người mẹ của đứa con nổi tiếng tuy kiềm chế cảm xúc nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa thì lặng lẽ trào nước mắt...
Hai bà mẹ "nổi tiếng" này cũng nhận được nhiều câu hỏi của người nghe, trong đó có một cô giáo dạy tiếng Anh, một người cha vốn là một nhà giáo, một người mẹ bận đi làm cũng gửi câu hỏi đến xin tư vấn... Và đặc biệt, có một người mẹ đã khóc ngay tại hội trường khi nhắc lại những cơn đối đầu ương bướng của cậu con trai đang bước vào cấp THPT, cũng như sự bộc lộ áp lực tự thân "phải vào được trường chuyên, lớp chọn" của chàng trai này...
Có thể nói, "Cuộc chiến tuổi dậy thì" cũng như chia sẻ chân thành của hai người mẹ Phan Hồ Điệp, TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho thấy mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng với đầy đủ sự sống động mà không thể giáo dục bằng sự áp đặt, khuôn mẫu. Chỉ có sự nhạy cảm của trái tim và cái đầu tỉnh táo của người mẹ cùng với sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình mới có thể giúp các em vượt qua những năm tháng thách thức của tuổi dậy thì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.