Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến truyền hình mới?

Thế Vũ| 18/09/2010 07:50

(HNM) - Thông tin AVG (Công ty nghe nhìn toàn cầu) đang tiến hành đàm phán mua lại bản quyền phát sóng của hơn 20 liên đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) thực sự khiến dư luận sửng sốt và bất ngờ. Bên cạnh đó là những lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chiến truyền hình mới giữa các nhà đài.

V-League sẽ không phải là sự kiện thể thao duy nhất mà AVG nắm giữ bản quyền phát sóng?


Đây hoàn toàn không phải những suy đoán thiếu cơ sở, đặt trong bối cảnh vụ việc của K+ vẫn còn chưa hết tính thời sự.

Theo thông tin trên, bắt đầu từ cuối năm ngoái, AVG đã tiến hành kế hoạch của mình, khởi động bằng hợp đồng với LĐBĐ Việt Nam (VFF). Cụ thể, AVG đã đề nghị VFF bán lại bản quyền truyền hình V.League trong thời gian 20 năm. Nguồn tin từ VFF cho biết, lãnh đạo tổ chức này tỏ ra rất hào hứng với kế hoạch bắt tay AVG. Trả lời báo chí, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng khẳng định, quá trình thương thảo giữa hai bên đang được xúc tiến. Theo tính toán của VFF, trường hợp hợp đồng với AVG được ký kết, VFF sẽ thu về khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với các hợp đồng nhỏ lẻ cùng các nhà đài hiện nay. Bên cạnh đó, AVG còn đưa ra nhiều điều khoản hấp dẫn kèm theo, ví như việc chia % lợi nhuận thu được qua các sự kiện tổ chức trên kênh phát sóng các trận đấu.

Theo tìm hiểu, thì không chỉ VFF, AVG còn đặt vấn đề với hơn 20 liên đoàn thể thao khác, như cầu lông, bóng chuyền, điền kinh… Với môn điền kinh, ngày 16-9 vừa qua, đại diện AVG đã làm việc với tổ đàm phán của đơn vị này. Được biết, đa số thành viên trong LĐ Điền kinh đều ủng hộ việc ký kết hợp đồng với AVG. Nếu mọi chuyện diễn ra như tính toán, chậm nhất vào cuối năm 2010, hai bên sẽ ký hợp đồng.

Ở đây, một vấn đề khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, là thời hạn hợp đồng do AVG đưa ra đều kéo dài tới 20 năm. Trong khi đó, các bản hợp đồng thông thường chỉ có hiệu lực tối đa 5 năm. Sau khi kết thúc mới tiếp tục tiến hành thương thảo gia hạn. Lý do AVG đưa ra là do trong thời gian đầu tiên AVG phải đầu tư chi phí để xây dựng hạ tầng phát sóng. AVG được cho phép khai thác phát sóng trên hệ DTH, nhưng hiện tại cơ sở hạ tầng phát sóng của AVG gần như chưa có gì. Đây cũng chính là một vấn đề của AVG bị nhiều ý kiến đặt dấu hỏi. Không lạ khi trả lời báo chí hôm qua, Phó TGĐ VTC3 (Đài truyền hình kỹ thuật số VN) Vũ Quang Huy đã cho rằng, các đơn vị rất cần phải cân nhắc trước khi quyết định ký hợp đồng với AVG. Ông Huy cho biết: "V.League cũng như các bộ môn khác không phải là của riêng VFF hay các liên đoàn nên trước khi ký kết, các liên đoàn cần trưng cầu ý kiến từ nhiều phía. Hơn nữa, AVG hiện tại chưa hề có cơ sở hạ tầng phát sóng DTH, vậy tại sao lại mua bản quyền truyền hình các môn trong thời gian dài như thế? Nếu có ký kết thì thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có sự giám sát, để có điều khoản giải quyết việc chia sẻ phát sóng của AVG với các đài khác, tránh trường hợp như vụ K+ vừa xảy ra".

Liên quan đến vụ việc trên, LĐ Cầu lông Việt Nam đã từ chối ký hợp đồng với AVG. Được biết, AVG cũng đã đề nghị nhiều lần với LĐ Cầu lông Việt Nam, từ đầu năm 2010 đến nay. Lý do chính là con số 20 năm. Thêm nữa, trong trường hợp bắt tay với AVG, LĐ Cầu lông Việt Nam cũng lo ngại khả năng va chạm lợi ích giữa AVG với các đối tác khác hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến truyền hình mới?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.