Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến rất “mất sức”

Thi Thi| 27/02/2012 06:18

(HNM) - Mới đây, Đài Truyền hình quốc gia - VTV đã phải lên tiếng về việc một số người mạo danh chương trình Đồ Rê Mí, tổ chức biểu diễn bán vé


Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, Trí Việt quyết không lùi bước, kiện những cơ sở dạy ngoại ngữ sao chép trái phép, dùng "chùa" sách có bản quyền của mình. Và âm nhạc, lại nóng lên bởi những tranh cãi trong thu, trả phí tác quyền, cấp giấy phép biểu diễn. Còn trước đó ít lâu, BHD kêu gọi chống vi phạm bản quyền khi hai DVD phim truyện đắt khách vừa ra đã
bị "nhái"…

Đồ Rê Mí là một cuộc thi tài năng âm nhạc dành cho các em thiếu nhi.


Người trồng cây, kẻ chặt

Một nhà thơ viết rằng "Người trồng cây, kẻ chặt/Biết mùa nào ra hoa?". Ngẫm chuyện bản quyền trong các lĩnh vực thấy đúng đến đáng buồn. Trong khi, ngành xuất bản "mừng mừng, lo lo" ghi nhận những nỗ lực của các NXB, các đơn vị làm sách tư nhân trong việc thiết lập quan hệ, tìm kiếm sách hay để mua bản quyền, làm ra sách tốt cho người đọc, thì phía sau, máy in, máy photo làm sách lậu vẫn chạy ro ro. Nếu một bên nghiêm túc, nhọc nhằn thì một bên ngang nhiên làm lợi trên lưng áo đẫm mồ hôi của người khác. Ngành xuất bản đã có dịp tổng kết, có những đơn vị trong vòng 5-6 năm đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với hơn 60 tập đoàn xuất bản - NXB trên thế giới. NXB khác trong một năm đã ký hơn 40 hợp đồng bản quyền với nước ngoài, thực hiện hơn 100 tựa sách chất lượng… NXB Kim Đồng trong gần 20 năm qua cũng đã tạo dựng quan hệ trao đổi bản quyền với gần 100 NXB trên thế giới. Tiền mua bản quyền đương nhiên không ít, nhưng cũng như mua thóc giống, dù ít hay nhiều mà mùa màng chưa kịp thu hoạch đã bị phá, thì ai không xót! Đối lập với những nỗ lực thực hiện bản quyền trên, "công nghiệp in lậu" được mô tả như sau: "Nếu các nhà nhập khẩu sách chân chính cần ít nhất một tháng mới có thể nhập sách ngoại văn về từ các nước Châu Á và hai tháng nếu nhập từ Anh, Mỹ… thì chỉ cần vài giờ, thậm chí nhanh hơn là sách lậu đã ra lò".

Tương tự như sách, chuyện in lậu DVD "kêu" cũng đã nhiều, nhưng mới đây nhất, BHD vừa đưa tin ra mắt DVD hai bộ phim ăn khách, thì sau đó không lâu đã có ngay thông báo về việc bị một số website phát tán, thậm chí kinh doanh trái phép bằng cách thu phí của người xem qua việc nạp coins (tiền điện tử).

Không im lặng

Trong 10 năm trở lại đây, tại Việt Nam đã ra đời nhiều tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Có thể kể đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thành lập theo quyết định của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (ra đời tháng 4-2002); Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam do Bộ Nội vụ thành lập (6-2003); Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam được Hội Nhà văn Việt Nam thành lập (8-2004) và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam ra đời theo quyết định của Bộ Nội vụ (3-2010). Cho dù thực tế hoạt động của các đơn vị này còn không ít lúng túng, nhưng rõ ràng các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học… đã không im lặng nữa!

Cùng với các tổ chức này, nhiều NXB đã lên tiếng trước các vụ xâm hại bản quyền. Chị Vũ Thị Quỳnh Liên (Phòng Bản quyền) - NXB Kim Đồng cho biết: "Đối với trường hợp phát hiện đơn vị làm sách khác xuất bản trái phép cùng bộ sách mà Kim Đồng đã mua bản quyền thì NXB sẽ liên hệ với đơn vị vi phạm yêu cầu chấm dứt và đền bù. Đối với sách bị sao chụp, in lại thì NXB sẽ liên hệ với cơ quan quản lý ngăn chặn hành vi này. Có rất nhiều bạn đọc của Kim Đồng chính là những người cung cấp thông tin cho NXB về những nơi bày bán "hàng nhái". Nhiều đơn vị có sách bị "khai thác chùa" trên mạng cũng gửi công văn thông tin tới Cục Xuất bản, các cơ quan báo chí để có thêm sức mạnh trong cuộc chiến rất "mất sức" này. Mặc dù một số trang mạng vi phạm đã gỡ bỏ hai bộ phim của BHD, song nhà sản xuất và phát hành phim này khẳng định: "Đây là hành vi xâm hại nghiêm trọng đến quyền tác giả và BHD sẽ gửi công văn đến Sở VH-TT&DL TP Hồ Chí Minh cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các cơ sở, cá nhân kinh doanh trái phép hai bộ phim trên".

Cũng không phải ngẫu nhiên mà VTV lên tiếng trước sự việc một số đơn vị tổ chức sự kiện đã sử dụng tên Đồ Rê Mí tổ chức các buổi biểu diễn có bán vé tại địa phương. Ngoài việc khẳng định lại bản quyền đối với Đồ Rê Mí cũng như tính chất chương trình này (không bán vé, chỉ ghi hình để phát sóng), nhà đài còn khẳng định sẽ làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ.

Luật Xuất bản (sửa đổi) hiện đang trong giai đoạn dự thảo lần thứ 4. Cuối năm 2011, Nghị định số 85/2011/NĐ-CP "Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan" cũng được Cục Bản quyền và Thanh tra Bộ VH-TT&DL phổ biến tới cơ quan truyền thông.

Mỗi người một việc và rõ ràng, nếu cùng lên tiếng, nếu có sự chung tay thì vi phạm bản quyền mới hy vọng có chiều hướng giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến rất “mất sức”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.