(HNM) - Nguy cơ bùng nổ một
Đây là xác nhận cuối cùng về quyết định của Bộ Thương mại Mỹ - từng được đưa ra hồi tháng 5 vừa qua - theo đó sẽ áp thuế từ khoảng 30% đến 250% với sản phẩm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ.
Suntech Power là nhà chế tạo tấm pin mặt trời lớn nhất của Trung Quốc và đứng hàng thứ hai thế giới sau First Solar của Mỹ. |
Quyết định mới nhất này được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra ngay sau khi có kết quả cuộc điều tra với cáo buộc rằng các nhà sản xuất Trung Quốc bán các tấm pin năng lượng mặt trời với giá thấp hơn chi phí sản xuất và rẻ hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ. Trước tiên, 2 trong số 60 nhà sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế cao gồm tập đoàn Suntech Power - nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc, đứng thứ hai thế giới sau First Solar của Mỹ - và tập đoàn năng lượng Trina Solar với mức thuế bị đánh dự kiến là 31%. Cùng với đó, một số doanh nghiệp khác dù chưa được nêu tên trong danh sách cũng sẽ bị đánh thuế ở mức "khủng" lên tới 250%. Không dừng lại ở đó, Bộ Thương mại Mỹ còn cảnh báo các tấm pin năng lượng mặt trời và module quang điện được sản xuất tại các nước khác nhưng sử dụng tế bào quang điện của Trung Quốc cũng sẽ phải chịu các loại thuế chống phá giá và trợ cấp.
Tuy nhiên, đây chưa phải là quyết định cuối cùng bởi mức thuế mới sẽ chỉ được áp dụng khi Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) nhận được những bằng chứng xác thực về hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp Mỹ và làm tổn hại đến nền kinh tế Mỹ. Vì thế, phía Trung Quốc vẫn trông chờ vào kết quả cuối cùng do ITC đưa ra vào đầu tháng 11 tới. Nhưng, các nhà phân tích cho rằng, biểu thuế mới với các doanh nghiệp Trung Quốc phải chịu sẽ chỉ là vấn đề thời gian, bởi đằng sau "sự cố" thương mại này là câu chuyện dài về bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là năng lượng sạch của nước Mỹ đã được Nhà Trắng cảnh báo.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã không ít lần lên tiếng đề nghị Mỹ tuân thủ cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ và làm việc cùng Trung Quốc cũng như các thành viên khác của cộng đồng quốc tế để duy trì một môi trường thương mại quốc tế bình đẳng. Cùng với phủ nhận cáo buộc của Bộ Thương mại Mỹ, Trung Quốc đã phản đối hành động "lợi dụng" công cụ thuế chống bán phá giá của Mỹ để "hất cẳng" các công ty mặt trời Trung Quốc ra khỏi sân chơi "năng lượng" đầy hấp dẫn tại Bắc Mỹ.
Quan hệ thương mại Trung-Mỹ một lần nữa lại đứng trước sóng gió. Căng thẳng mới xuất hiện chưa đầy một tháng sau khi Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cáo buộc Trung Quốc trợ giá cho ngành ô tô và phụ tùng thay thế trong nước, gây bất lợi cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Sự kiện Bộ Thương mại Mỹ áp biểu thuế mới với tấm pin năng lượng mặt trời nhập từ Trung Quốc được xem là một trong chuỗi hành động của Mỹ nhằm đáp lại sự tràn ngập các sản phẩm công nghiệp Trung Quốc tại quốc gia này. Với các chuyên gia kinh tế, mức thuế mới với năng lượng sạch là không đáng kể so với tổng kim ngạch thương mại song phương Mỹ - Trung đã đạt mức 500 tỷ USD sau bốn thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tuy nhiên, quyết tâm áp thuế chống bán phá giá ở mức cao của Bộ Thương mại Mỹ với các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời Trung Quốc sẽ không chỉ đẩy "cuộc chiến" năng lượng sạch giữa hai đầu tàu kinh tế thế giới trở nên căng thẳng hơn, mà còn có thể làm tăng giá các dự án về năng lượng mặt trời tại Mỹ. Và, khi hành động "ăn miếng, trả miếng" tiếp tục được đưa ra như một công cụ để trả đũa giữa hai cường quốc kinh tế thế giới thì người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt hại đầu tiên do khả năng lựa chọn bị thu hẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.