(HNM) - Biểu tình và bạo loạn ở Libya bắt đầu bùng nổ từ ngày 15-2, tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai ở miền Đông. Người biểu tình đòi Tổng thống Muammar Gaddafi, người nắm quyền ở quốc gia Bắc Phi này từ năm 1969, từ chức.
Ngay sau đó, thành phố này trở thành cứ địa của những người chống đối và lực lượng nổi dậy được định hình nhưng chưa có một mặt trận thống nhất.
Lo sợ một cuộc "cách mạng hoa nhài" như đang diễn ra ở Tusnisia và tình hình Ai Cập lúc đó, chính quyền Libya đã mạnh tay trấn áp. Tuy nhiên, tình hình không những không được cải thiện mà số người chết do dẫm đạp lên nhau, do chống lại lực lượng an ninh của Libya ngày càng nhiều. Trong một phát biểu trên truyền hình vào thời điểm đó, ông M. Gaddafi lên án những người biểu tình và dọa sẽ tử hình những người chống Chính phủ. Tuyên bố của ông M. Gaddafi đã châm ngòi cho một dây chuyền phản ứng rộng lớn cả trong nước và ở nước ngoài.
Quyết giành lại quyền kiểm soát tất cả các khu vực đang bị lực lượng nổi dậy chiếm giữ, trong đó có thành phố Benghazi, chính quyền Libya đã quyết định sử dụng không quân kết hợp với lực lượng mặt đất đánh mạnh vào các khu vực có lực lượng nổi dậy chiếm giữ để giành lại quyền kiểm soát. Nhưng, diễn biến ngày càng xấu, xung đột vũ trang giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi dậy chống chính quyền đã dần chuyển thành nội chiến. Đây chính là cái cớ để một số quốc gia phương Tây can thiệp vũ trang nhằm giải quyết xung đột chính trị ở Libya.
Ngày 26-2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt Libya gồm lệnh cấm vận vũ khí với chính quyền Libya và lệnh cấm đi lại cũng như “đóng băng” tài sản đối với ông M. Gaddafi và các thành viên chủ chốt của gia đình ông. Một ngày sau lệnh cấm vận này, Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC), tập hợp các lực lượng chống chính quyền Gaddafi được thành lập (27-2) với đại bản doanh đóng tại Benghazi. Ngày 1-3, phiên họp 65 của Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết đình chỉ quyền thành viên của Libya trong Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ngày 17-3, HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết số 1973 áp đặt vùng cấm bay ở Libya và cho phép "sử dụng các biện pháp cần thiết" để bảo vệ thường dân. Nhằm thực thi Nghị quyết 1973, ngày 19-3, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với sự hậu thuẫn của Mỹ và đi đầu là Pháp đã khai hỏa tấn công Libya, hỗ trợ phe nổi dậy làm chủ Benghazi, thành phố lớn thứ hai ở Libya. Kể từ thời điểm này, Banghazi trở thành thủ phủ của NTC.
Ảnh: Internet |
Ngày 31-3, NATO thông qua nghị quyết về chiến dịch quân sự tại Libya nhằm hỗ trợ phe nổi dậy ở phía Đông và tấn công vào các lực lượng của ông M. Gaddafi ở phía Tây. Trên mặt trận ngoại giao, nhiều nước phương Tây đã công nhận NTC, đại diện của phe nổi dậy, như là chính thể hợp pháp đại diện cho người dân Libya. Đến cuối tháng 6-2011, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở La Haye đã ra quyết định bắt ông M. Gaddafi với tội danh chống lại loài người.
Tuy nhiên, cho dù NATO đã gia tăng không kích, một trong số các vụ không kích đó đã giết chết người con trai út của ông Gaddafi (hôm 1-5); đồng thời chuyển rất nhiều khí tài quân sự cho phe nổi dậy, thế nhưng, chiến sự ở Libya có nhiều dấu hiệu của sự sa lầy. Việc thiếu khả năng lãnh đạo, cộng với những bất đồng trong nội bộ phe nổi dậy, mà vụ Tướng Abdel Fatah Younis bị sát hại (hôm 28-7) là một điển hình, khiến NTC chưa thể chiếm được thế thượng phong trên chiến trường.
Sau đó, với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn các phương tiện khí tài cũng như các cuộc oanh kích dọn đường của NATO, lực lượng nổi dậy Libya dần được vực dậy và phản công. Ngày 23-8, sau nhiều đợt giao tranh ác liệt, lực lượng của NTC đã chiếm được dinh thự của ông Gaddafi và tuyên bố giành chiến thắng trong trận chiến ở Tripoli. Ông M. Gaddafi cùng các con và những người trung thành chạy khỏi thủ đô Tripoli.
Ngay sau đó, NTC đã đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao, một số nước đã mở lại đại sứ quán tại Libya. Hai ngày sau chuyến công du bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Libya nhằm tăng cường quan hệ Washington - Tripoli, ngày 20-10, lực lượng của NTC tuyên bố ông M. Gaddafi đã bị giết chết tại thành phố quê hương Sirte. Trước đó, NATO đã trao lại không phận trên thành phố Benghazi ở miền Đông cho nhà chức trách Libya và NTC tuyên bố kiểm soát được thành phố cuối cùng của đất nước là Sirte.
Cái chết của ông M. Gaddafi và cuộc tiến chiếm Sirte đã hạ màn cuộc chiến ở Libya với hàng ngàn người chết và bị thương, thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ USD; nhưng đất nước này còn rất nhiều khó khăn phải vượt và sẽ mất không ít thời gian để ổn định trở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.