(HNM) - Các nhà chức trách Mỹ đang tìm cách giải mã chiếc iPhone thu được từ một trong những thủ phạm đã chết thực hiện vụ khủng bố vào tháng 12 năm ngoái tại TP San Bernardino (bang California, Mỹ).
Đó là chiếc iPhone được xác nhận là của Syed Rizwan Farook, một trong những thủ phạm của vụ khủng bố. Farook cùng vợ mình, Tashfeen Malik, đã bị cảnh sát bắn chết trên đường chạy trốn khỏi hiện trường sau khi thực hiện vụ thảm sát khiến 14 người thiệt mạng và ít nhất 21 người bị thương. Các cơ quan chức năng cho biết thủ phạm của vụ khủng bố có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Chiếc điện thoại này được trang bị tính năng bảo mật và sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trên thiết bị nếu bị thử mở khóa nhiều lần không thành công. Một quan chức tòa án Mỹ đã ra lệnh cho Apple cung cấp công cụ phần mềm giúp giải mã chiếc iPhone này cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, phía Apple đã từ chối lời đề nghị của tòa án. Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple đã đăng tải một bức thư ngỏ trên trang web của Apple, bày tỏ rằng hãng đã vui vẻ hợp tác và hỗ trợ FBI hết mình trong công cuộc điều tra các tên tội phạm. Nhưng Apple đã từ chối tuân thủ vì cho rằng đây sẽ là tiền lệ xấu trong việc bảo vệ sự riêng tư của khách hàng. Tim Cook cho rằng việc làm này "sẽ làm suy yếu các quyền tự do mà Chính phủ có nghĩa vụ phải bảo vệ". Khi Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã vào được một chiếc điện thoại thì họ có thể dùng các biện pháp án lệ để buộc Apple thực hiện hành động tương tự cho các vụ án trong tương lai. Nguy hiểm hơn, nó có thể bị lợi dụng bởi kẻ xấu để truy cập vào thông tin trên bất kỳ chiếc iPhone nào của bất kỳ ai.
Quyết định của Apple lập tức nhận phải sự phản đối của nhiều người, trong đó có Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Arkansas, Tom Cotton. Đáp lời bức thư ngỏ của Tim Cook, Tom Cotton cho rằng Apple "đang bảo vệ sự riêng tư của một tên khủng bố đã chết, thay vì sự an toàn của người Mỹ". Giám đốc FBI James Comey cũng có cùng quan điểm với Thượng nghị sĩ Cotton khi cho rằng việc mã hóa các dữ liệu đang làm ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan thực thi pháp luật. Theo ông Comey, những chiếc điện thoại được khóa mã có thể nắm giữ các bằng chứng về tội ác, những liên lạc về hành vi tội ác trước khi chúng được thực hiện, những bằng chứng để giải mã tội phạm. Bên cạnh đó, không ít người cho rằng Apple đang quá cứng nhắc trong vụ việc khi bất hợp tác với cơ quan chức năng để có thể giúp ngăn chặn những vụ khủng bố có thể xảy ra.
Tuy nhiên, hành động của Apple lại được ủng hộ bởi không ít người sử dụng sản phẩm của "Quả táo cắn dở". Nhiều người cho rằng Apple đang thực hiện đúng chức trách của mình khi bảo vệ tới cùng sự riêng tư của khách hàng. Điều này khiến người dùng cảm thấy yên tâm hơn với sự riêng tư của mình khi sử dụng các sản phẩm của Apple. Trong khi đó, Sundar Pichai, Tổng Giám đốc Google, đăng tới 5 thông điệp trên trang mạng xã hội Twitter để ủng hộ Tim Cook. Pichai nói rằng ông hiểu những thách thức mà các nhà thực thi luật pháp đang phải đối mặt trong việc bảo vệ người dân trước khủng bố và bạo lực. Tuy nhiên, các hãng công nghệ có nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu người sử dụng một cách an toàn và sẽ cung cấp thông tin cho các nhà thực thi luật pháp trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc đòi hỏi các công ty xây dựng công cụ hack thiết bị và dữ liệu của khách hàng.
Không chỉ với Apple và Google, đây là "cuộc chiến" mà các hãng công nghệ không hề muốn tham gia bởi họ bị đặt vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Công nghệ mã hóa ra đời để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng, nhưng bản thân công nghệ không thể phân biệt người tốt kẻ xấu, nên đang vô tình trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho khủng bố trong việc liên lạc, tuyên truyền. Thế nhưng, những cam kết về tính bảo mật thông tin với khách hàng là yếu tố không dễ bị vi phạm và được xem là uy tín sống còn của các nhà cung cấp công nghệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.