(HNM) - Sau Hội nghị Ngoại trưởng Hội đồng Bắc Cực diễn ra hồi tháng 5 tại Alaska (Mỹ), Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 của Hội đồng Bắc Cực đang được tổ chức tiếp tục mở ra cơ hội cho các nước thảo luận về vùng “đất hứa” giàu tiềm năng và có vị thế chiến lược này.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các bên liên quan tiến hành đối thoại cởi mở và công bằng để phát triển Bắc Cực trong bối cảnh vùng đất mới này đang ngày càng có sức hấp dẫn.
Chiếc tàu chở nhiên liệu của Nga đi vào lịch sử khi lần đầu chạy qua Bắc Cực để kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. |
Về mặt địa lý, Bắc Cực là khu vực có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, song lại là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên với gần 30% trữ lượng khí đốt và 13% trữ lượng dầu lửa chưa được phát hiện trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi có nhiều loại khoáng sản, kim loại quý hiếm khác. Trong bối cảnh trái đất ấm dần lên, độ dày lớp băng và diện tích biển đóng băng ở Bắc Cực đều giảm đáng kể, nhất là trong những tháng mùa hè. Điều này mở ra những tuyến đường giao thương trên biển mới, rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Hiện nay các chuyên gia đang nghiên cứu một tuyến đường vận chuyển mới từ Châu Á sang Châu Âu ngắn hơn 5.000km so với đi qua qua kênh đào Panama. Tương tự như vậy, con đường từ Yokohama (Nhật Bản) sang Bắc Mỹ vào mùa hè nếu đi qua Bắc Cực sẽ tiết kiệm được 8.000 hải lý. Băng dày tan dần cũng mở ra cơ hội khai thác tài nguyên thiên nhiên thuận lợi chưa từng có. Những đặc điểm này cùng với vị thế chiến lược cả về quốc phòng và an ninh đã biến vùng đất cực Bắc trở thành nơi dễ xảy ra sự cạnh tranh ảnh hưởng của nhiều nước.
Trong khi đó, theo luật quốc tế, hiện không nước nào sở hữu Bắc Cực hay vùng Bắc Băng Dương bao quanh. Cả Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch (qua Greenland) và Mỹ (qua Alaska) đều bị hạn chế bởi một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý từ bờ biển nước mình. Vùng bên ngoài giới hạn này thuộc quyền quản lý hành chính của Cơ quan Quản lý đáy biển thế giới. Tuy nhiên, các nước này cùng với Phần Lan, Thụy Điển và Iceland đều có những dự án khai thác táo bạo đối với vùng vòng Bắc Cực đi qua 8 quốc gia và vùng lãnh thổ của các thành viên Hội đồng Bắc Cực. Tới nay, các nước đều khẳng định rằng một số khu vực của Bắc Cực phải thuộc lãnh thổ của họ, trong đó Nga là nước có tuyên bố chủ quyền với phần diện tích lớn ở Bắc Cực (khoảng 1,2 triệu kilômét vuông).
Nhìn một cách tổng thể, vào lúc này Nga có ưu thế hơn cả đối với cuộc đua ở vùng đất cực Bắc của Trái đất, không chỉ nhờ đường tiếp giáp dài nhất mà còn bởi nước này đã và đang theo đuổi chiến lược dài hạn nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng hậu cần và quốc phòng, tạo điều kiện cho sự phát triển công nghiệp, kinh tế, xã hội. Năm 2015, Tổng thống Nga V.Putin đã tuyên bố Nga sẽ xây dựng một mạng lưới các căn cứ Hải quân thống nhất tại Bắc Cực như một phần trong kế hoạch nhằm thúc đẩy việc bảo vệ các lợi ích và biên giới trong khu vực. Hiện tại, mục tiêu trong chiến lược Bắc Cực của Nga là khai thác hiệu quả vùng đất này, đóng góp 11% GDP và 25% kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên đang đặt Mátxcơva vào một cuộc đua với Mỹ bởi dù ở hai châu lục khác nhau, nhưng Bắc Cực là khu vực biến hai bên trở thành láng giềng. Washington cũng đã có kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại Bắc Cực, bắt đầu thực hiện từ khoảng năm 2020. Những động thái tương tự cũng xuất hiện ở một số quốc gia khác khiến nguy cơ cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa quốc gia nào có ý định sử dụng vũ lực để giải bài toán Bắc Cực trong khi các chuyên gia cũng cho rằng, có chăng sẽ chỉ là cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước chồng lấn về tuyên bố chủ quyền. Nhờ thế, cơ hội để tìm kiếm một sự hợp tác hòa bình tại Bắc Cực, biến đây thành khu vực không tiềm ẩn nguy cơ xung đột và là không gian cho sự hợp tác quốc tế vẫn là điều khả thi. Cũng như vậy, những biện pháp rõ ràng hơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục được các bên tìm kiếm tại hội nghị đang diễn ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.