Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc cách mạng về truyền máu

Ánh Tuyết| 30/09/2016 07:13

(HNM) - Được đánh giá là đã làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền máu tại Việt Nam, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và bảo đảm đủ máu dự trữ cho điều trị” của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đã được

Phòng chuyên môn của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương.


- Giáo sư có thể điểm qua những kết quả của cụm công trình mà ông tâm đắc nhất?

- Cụm công trình đã góp phần hiện đại hóa ngành truyền máu nhờ ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần xây dựng một hệ thống dịch vụ truyền máu hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng, độ an toàn trong việc truyền máu, chuẩn hóa quy trình truyền máu. Trong đó, một trong những kết quả có ý nghĩa nhất là công trình đã xây dựng được “Ngân hàng máu sống” để đáp ứng nhu cầu về máu cấp cứu, kịp thời cứu sống người bệnh tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng trong việc sản xuất các chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam. Các chế phẩm này có giá thành hợp lý, có chất lượng cao và mang tính đặc thù của người Việt Nam, cung cấp cho toàn quốc sử dụng để bảo đảm an toàn truyền máu về mặt miễn dịch. Chúng tôi cũng đã ứng dụng công nghệ xét nghiệm sinh học phân tử - NAT - vào sàng lọc thường quy cho người hiến máu, bảo đảm an toàn truyền máu và phòng lây nhiễm HIV, HBV, HCV qua đường truyền máu. Công trình đã có 138 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí ở trong và ngoài nước, 43 bài chuyên luận và 48 đầu sách phục vụ cho đào tạo và phổ biến khoa học.

- Thưa Giáo sư, cụm công trình nói trên đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới như thế nào và được vận dụng sáng tạo ở Việt Nam ra sao?

- Trong cụm đề tài này có rất nhiều kỹ thuật mới, từ cách thức tổ chức, sàng lọc cho tới sản xuất ra chế phẩm máu, phần lớn là nhờ vào sự sáng tạo, tìm tòi của tập thể cán bộ nhân viên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Bên cạnh đó, chúng tôi đã áp dụng nhiều kỹ thuật của nước ngoài, như xét nghiệm sinh học phân tử (NAT) hay khuếch đại axit nucleic - một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất trong xét nghiệm sàng lọc máu.

Nó góp phần vô cùng to lớn, mang tính bước ngoặt trong việc bảo đảm an toàn truyền máu, cung cấp nguồn máu an toàn, kịp thời, sàng lọc các tác nhân gây bệnh qua đường truyền máu. Khi áp dụng tại Việt Nam, kỹ thuật này có sự điều chỉnh về số lượng máu tiếp nhận, tổ chức dịch vụ tiếp nhận máu, đội ngũ cán bộ, điều kiện trang bị kỹ thuật để phù hợp với thực tiễn. Những kinh nghiệm đó, sự cải tiến đó rất bổ ích để có thể triển khai tiếp tại các trung tâm khác trong phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt, ở công trình này, kết quả sáng tạo đáng ghi nhận nhất là đã sản xuất ra bộ panel hồng cầu để sàng lọc các kháng thể bất thường. Nhờ kết quả này mà chúng ta đã tìm ra hệ thống kháng nguyên của người Việt Nam. Hệ thống kháng nguyên này dùng để phát hiện ra kháng thể đặc thù của người Việt với giá thành thấp, bảo quản được lâu. Nếu mua kháng thể ở nước ngoài thì chi phí sẽ đắt hơn từ 30% đến 50%, nhưng, quan trọng nhất là kháng thể đó không phải là của người Việt Nam. Đây chính là thành quả lớn nhất của đề tài, nó góp phần mở ra kỷ nguyên mới về truyền máu tại Việt Nam.

- Trong những kết quả kể trên, thành công lớn trong việc xây dựng ngân hàng máu cho vùng sâu, vùng xa và biên giới hải đảo mang ý nghĩa lớn lao. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Viện Huyết học và Truyền máuTrung ương đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi khảo sát tại vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo để xây dựng một mô hình truyền máu cho phù hợp với điều kiện và bối cảnh ở những nơi này. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Y tế cho thực hiện đề tài cấp bộ về nghiên cứu triển khai xây dựng các ngân hàng máu sống thông qua lực lượng máu dự bị, để tổ chức dịch vụ truyền máu cho vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Viện đã hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu này. Kết quả là chúng ta đã xây dựng được ngân hàng máu sống tại đảo Cát Bà, đảo Phú Quốc, đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cồn Cỏ, đảo Lý Sơn và nhiều vùng khác. Lực lượng hiến máu được chuẩn bị trước rất chu đáo, sẵn sàng tham gia hiến máu, khi nào cần cấp cứu thì chỉ việc lấy máu của họ truyền cho người bệnh. Nguyên lý này rất giản dị nhưng phải trải qua nhiều công trình nghiên cứu, trải qua thực tế thì chúng tôi mới rút ra được. Nhờ việc xây dựng được ngân hàng máu sống đó mà trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều trường hợp bị bệnh về máu, sốt xuất huyết và bị băng huyết ở Hà Giang đã được cứu sống, nhiều bệnh nhân được cứu khi đi biển gặp nạn. Đặc biệt, vì có ngân hàng máu sống nên nhiều bệnh viện trước đây không dám mổ nhưng nay đã có thể thực hiện điều đó, như đã thấy ở đảo Lý Sơn. Những đơn vị lâu nay chỉ thực hiện tiểu phẫu thì bây giờ đã có thể triển khai các dạng phẫu thuật lớn hơn.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc cách mạng về truyền máu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.