(HNNN) - Nhân nghĩa, hòa hiếu là truyền thống quý báu trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Huyền sử còn ghi chuyện Đức thánh Tản Viên chủ trì lễ bàn giao quyền lực giữa Hùng Duệ Vương bộ tộc Lạc Việt nhà nước Văn Lang sang thủ lĩnh Thục Phán của bộ tộc Âu Việt một cách hòa bình, chấm dứt chiến tranh kéo dài, lập nên nhà nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa. Trong áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo”. Sau khi đại thắng, để “thể đức hiếu sinh”, quân dân Đại Việt đã cấp ngựa, cấp thuyền cho đạo quân xâm lược nhà Minh rút về nước.
Truyền thống nhân văn, nhân nghĩa ấy đã được Đảng và nhân dân ta phát huy một cách hiệu quả, góp phần vào thắng lợi của cách mạng trong những thời điểm quyết định. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Thủ đô Hà Nội là minh chứng. Tính nhân văn của cách mạng là ở chỗ đã vận động, huy động được một lực lượng đông đảo quần chúng tự giác, tích cực tham gia, xả thân hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc. Cách mạng là cải tạo con người. Để tiến tới Cách mạng Tháng Tám, chúng ta đã vận động, giác ngộ không chỉ quần chúng lao động nghèo khổ mà cả những người thuộc tầng lớp trên, những người trong hàng ngũ địch, biến lực lượng của địch thành lực lượng cách mạng.
Kinh nghiệm sâu sắc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi là dựa vào dân, xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ an toàn, xây dựng lực lượng trong nhân dân. Trước đó, cách mạng ở Hưng Yên, ở Hà Nội gặp khó khăn, bị địch khủng bố gay gắt. Ở Hưng Yên, chi bộ 5 người chỉ còn một. Tại Hà Nội, nhiều đồng chí lãnh đạo bị bắt bớ, có đồng chí bị xử bắn. Năm 1944, tôi tham gia Ban Cán sự xây dựng phong trào phản đế ở Hà Nội, Thành ủy viên thành phố Hà Nội. Tôi đã cùng các đồng chí của mình gây dựng cơ sở ở ngoại thành, làm bàn đạp tiến vào thành phố. Tháng 3-1945, tôi được giao nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Thủ đô. Những ngày gây dựng phong trào ở Hưng Yên, ở Hà Nội, mặc dù xuất thân nông thôn, tôi đã tự học hỏi, dựa vào dân, nhờ dân che chở để hoạt động. Có thời gian tôi được gia đình quan phủ Nguyễn Diệp Quảng cho ở trong nhà, đã có lần hai cô con gái của ông nhanh trí cứu tôi thoát khỏi sự lùng sục của quân Nhật.
Chiều 16-8-1945, tôi gặp đồng chí Phạm Thái Hy, Đội phó Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu tại chỗ hẹn gần đầu cầu Cống Cót. Nghe báo cáo hôm sau có cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức ủng hộ chính quyền thân Nhật Trần Trọng Kim ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi bàn bạc rồi quyết định giao nhiệm vụ cho Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng. Ngày 17-8, cuộc mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Nam độc lập.
Ngay tối 17-8, Thành ủy Hà Nội triệu tập Hội nghị quân sự mở rộng tại Dịch Vọng, Cầu Giấy, quyết định Hà Nội tổng khởi nghĩa vào ngày 19-8.
Một bài học quan trọng của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội là có đối sách thích hợp, hiệu quả, làm vô hiệu hóa lực lượng phát xít Nhật. Ở Hà Nội lúc bấy giờ có hơn một vạn lính Nhật với đầy đủ trang bị, vũ khí hiện đại. Ngày 19-8, sau cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hàng chục vạn quần chúng cách mạng chia làm hai. Một cánh dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Khang, đại diện Xứ ủy, đi chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát Hàng Trống. Một cánh do tôi chỉ huy cùng Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu chiếm trại Bảo an binh. Tại đây có khoảng 1.000 lính Bảo an của chính quyền thân Nhật đồn trú. Do khéo vận động, thuyết phục, với khí thế cách mạng áp đảo, ta đã không phải nổ súng mà vẫn chiếm được trại, chiếm được kho vũ khí của địch để trang bị cho lực lượng vũ trang cách mạng. Lúc này, Bộ Chỉ huy quân đội Nhật đã điều 2 xe tăng và rất nhiều binh lính đến bao vây, uy hiếp, ra tối hậu thư buộc ta hạ vũ khí, giao nộp trại. Trước tình thế đó, ta đã sáng tạo, dùng biện pháp ngoại giao, quân sự với hậu thuẫn là khí thế cách mạng của quần chúng để giải quyết tình hình, tránh tổn thất cho cách mạng.
Chiều tối 19-8, phái đoàn đàm phán của Việt Minh do ông Lê Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa và cố vấn Trần Đình Long dẫn đầu đã trực tiếp gặp gỡ, đàm phán với tướng Tsuchihashi - Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật tại Đông Dương - ngay tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là 33 Phạm Ngũ Lão). Cuộc đàm phán diễn ra khá gay go nhưng cuối cùng, đúng như ta dự đoán, phía Nhật đã chấp nhận án binh bất động, không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam; đổi lại, Việt Minh cam kết không tấn công, bảo đảm an toàn cho binh lính của họ để chờ ngày về nước. Với kết quả đàm phán này, quân đội Nhật đã chấp nhận Việt Minh là đại diện cho dân tộc Việt Nam, chấp nhận chính quyền cách mạng. Kết quả đàm phán với Nhật mang ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, bởi phe Việt Minh đã không chỉ tránh được cuộc đối đầu trực tiếp với quân Nhật mà còn loại trừ mọi hy vọng của các lực lượng chính trị khác vào khả năng đảo ngược tình thế tại Thủ đô vào thời điểm đó. Đây là bài học lớn có tính quyết định nhất cho cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Hà Nội đã không máy móc, giáo điều mà luôn chủ động, sáng tạo trong chấp hành lệnh Tổng khởi nghĩa của cấp trên. Đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng đánh giá “Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước”. Cả nước theo gương Hà Nội, theo tinh thần Hà Nội, vận dụng kinh nghiệm khởi nghĩa ở Hà Nội nên đã giành được độc lập. Theo đồng chí Trường Chinh, Thành ủy Hà Nội đã nắm chắc thời cơ, khắc phục nguy cơ, giúp Trung ương tìm ra phương thức lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thắng lợi trên toàn quốc.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, hàng vạn quần chúng Thủ đô đại diện cho cả dân tộc Việt Nam nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp với sự đồng lõa của quân đội Anh trong lực lượng Đồng minh đã nổ súng mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai, buộc nhân dân Việt Nam phải cầm súng kháng chiến. Nghe theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1945, đã có nhiều quan lại cấp cao trong triều đình nhà Nguyễn và chính phủ thân Nhật, nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, kể cả sĩ quan trong quân đội Nhật đã theo Chủ tịch Hồ Chí Minh lên chiến khu, đồng cam cộng khổ, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi cũng nhận nhiệm vụ mới, tham gia đoàn quân Nam tiến, vào Liên khu V tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau này, dù đảm nhận nhiệm vụ nào, tôi đều cố gắng hoàn thành. Bí quyết thành công của cuộc đời tôi là nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng vào thực tế một cách sáng tạo, chủ động.
Bài học thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một cuộc cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc, là kết tinh giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam và là tinh hoa văn hóa nhân loại, nếu vận dụng một cách sáng tạo, thích hợp, sẽ có giá trị trường tồn với cách mạng nước ta, với các dân tộc và thế giới trong thời đại mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.