(HNM) - Chịu sức ép cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại, hoạt động của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, như: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối… gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các chương trình biểu diễn phải nhiều lần tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch.
Trước thực trạng này, các cơ quan quản lý văn hóa, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để vừa không làm mai một các giá trị truyền thống, vừa tạo ra những giá trị mới, phù hợp với thực tế cuộc sống hiện đại, hấp dẫn công chúng. Nổi bật là tích cực nghiên cứu, sáng tác nhiều tác phẩm mới nhằm làm sống lại các giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tổ chức hoạt động ghi âm, ghi hình hàng trăm chương trình, vở diễn, tiết mục truyền thống, phục vụ công tác lưu giữ, bảo tồn nguyên gốc và giới thiệu đến công chúng qua mạng internet.
Nỗ lực là vậy, song kết quả hoạt động các đơn vị nghệ thuật vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn ở nhiều nơi xuống cấp, chưa được cải tạo, nâng cấp kịp thời; chất lượng nguồn nhân lực nghệ thuật biểu diễn chưa đồng đều; công tác quảng bá, giới thiệu tác phẩm mới chưa được quan tâm đầu tư đúng mức…
Bảo tồn và phát triển nghệ thuật biểu diễn truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong giai đoạn hiện nay, để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 19-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài là huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu biểu diễn. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách sưu tầm, phục hồi và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về sáng tác, thể hiện tác phẩm cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên; tổ chức các cuộc thi tài năng nhằm phát hiện tài năng biểu diễn nghệ thuật truyền thống...
Đối với các địa phương, cần quan tâm hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn trong việc nghiên cứu phục dựng các trích đoạn, vở diễn cổ phục vụ bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Lồng ghép chương trình hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống có thế mạnh gắn với các sự kiện kinh tế, văn hóa, du lịch… của địa phương, từ đó tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi nghề nghiệp và nâng cao thu nhập.
Về phía các đơn vị nghệ thuật, cần không ngừng tìm tòi, sáng tạo nên những vở diễn mẫu mực, tạo sức hút đối với khán giả; tiếp tục thực hiện việc ghi âm, ghi hình góp phần bảo tồn nguyên vẹn nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Đặc biệt, các đơn vị nghệ thuật cần tận dụng những thế mạnh của internet để quảng bá, kết nối với khán giả đưa các tác phẩm đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là giới trẻ.
Đối với các nghệ sĩ, diễn viên, cùng với việc trau dồi, khổ công luyện tập, trao truyền nguyên vẹn vốn cổ truyền thống cho thế hệ trẻ, mỗi người hãy phát huy tính năng động, sáng tạo, tâm huyết để xây dựng những tác phẩm thực sự chất lượng, vừa bảo đảm tính truyền thống, vừa phù hợp với đời sống hiện đại hôm nay.
Khi tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan cùng nhau góp sức, nỗ lực, nghệ thuật biểu diễn truyền thống sẽ được gìn giữ, phát huy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.