(HNM) - Đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu làm đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp nước ta. Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, phải cắt giảm nhân sự. Trong bối cảnh ấy, chính quyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cấp công đoàn thành phố Hà Nội… đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp người lao động vượt khó.
Đối mặt nhiều khó khăn
Dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp và người lao động ở các lĩnh vực dệt may, da giày, hàng không, vận tải, du lịch và giáo dục mầm non tư thục gặp khó khăn. Chị Nguyễn Thu Hiền, công nhân Công ty cổ phần Thương mại Khang Vĩnh Phong Phú (Khu công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Từ đầu tháng 3-2020, việc xuất khẩu sản phẩm may sang châu Âu của công ty bị ngừng nên thu nhập của chúng tôi bị ảnh hưởng, phải tính toán rất kỹ trong mỗi quyết định chi tiêu. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, với thu nhập của mình, chúng tôi không khó khăn như hiện nay”.
Còn chị Chu Hà Phương (Công ty TNHH Song Thành, quận Long Biên) nói: “Nhiều bạn bè của tôi đã mất việc, riêng doanh nghiệp phân phối vật liệu xây dựng nơi tôi làm việc cũng giảm 30% tiền lương”.
Là một trong những đơn vị chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh, bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc Chi nhánh Lữ hành Saigontourist Hà Nội cho biết: “Đến tháng 6-2020, nguồn dự phòng trang trải lương thưởng đã cạn, chúng tôi buộc phải thực hiện rà soát nhân sự để có giải pháp trong những tháng tiếp theo”.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) thông tin, từ đầu năm đến nay, số người trung tâm đã tiếp nhận, xét duyệt, ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2019 (gần 40.000 người). Lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ nhà hàng, khách sạn…
Còn theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã có hơn 4.200 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Gần 70 nghìn công nhân trong các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn Hà Nội bị mất việc làm hoặc làm việc cầm chừng. Ngoài ra, khối giáo dục mầm non tư thục cũng bị ảnh hưởng lớn, nhiều đơn vị không trụ nổi phải dừng hoạt động, khiến nhiều giáo viên gặp khó khăn…
Nhiều hình thức hỗ trợ người lao động
Thời gian qua, thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ký kết chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động nhằm giúp họ được tiếp cận những sản phẩm thiết yếu với giá ưu đãi. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ 2 đợt với 3.136 trường hợp là đoàn viên công đoàn tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc Liên đoàn Lao động thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, mỗi suất hỗ trợ gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 5kg gạo. “Suất quà chưa lớn về vật chất nhưng là nguồn động viên, hỗ trợ đoàn viên vượt qua giai đoạn khó khăn”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng chia sẻ.
Đón nhận phần quà công đoàn trao tặng, chị Nguyễn Thị Hà (Trường Mầm non An Đông, phường Định Công, quận Hoàng Mai) xúc động: “Với nhiều người, 1 triệu đồng chưa phải là số tiền lớn, nhưng với người phải nghỉ dạy nhiều tháng như tôi, đây là khoản tiền rất ý nghĩa”.
Tương tự, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã kêu gọi hội viên có nhà cho thuê giảm một phần, hoặc toàn bộ tiền thuê nhà cho lao động nhập cư. Điển hình như quận Hà Đông có 458 chủ nhà trọ, quận Thanh Xuân 119 chủ nhà trọ là hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng…
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần tại tất cả 15 sàn, điểm giao dịch trên toàn thành phố; đồng thời tổ chức các phiên giao dịch lưu động tại những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, có đông người lao động cư trú. Ngoài ra, Sở yêu cầu, các đơn vị chức năng phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về thị trường lao động để cung - cầu về lao động, việc làm “gặp nhau”… Đặc biệt, những trường hợp đủ điều kiện vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm sẽ được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội…
Nhờ vậy, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp từ giữa tháng 6-2020 đến nay tập trung ở những ngành, nghề từng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại. Chị Nguyễn Thị Thu (xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm) cho hay: “Tham gia phiên giao dịch việc làm huyện Gia Lâm ngày 27-6, tôi đã tìm được công việc nấu ăn tại một nhà hàng”.
Với những giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, có lý do để hy vọng thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho ít nhất 156.000 người trong năm 2020; duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.