(HNM) - Vợ chồng anh Thanh (ở phố Chùa Láng - Hà Nội) về quê ngoại ở miền Nam ăn Tết, mùng 6 bay ra, nên lúc này mới đi chúc Tết bạn bè.
Qua chơi mấy nhà có con nhỏ, anh chị đều chuẩn bị chút tiền mới gọi là mừng tuổi cho các cháu “năm mới học giỏi, ngoan ngoãn”. Điều làm anh chị không được vui lắm là mấy cô, cậu trẻ đứa thì nhận tiền bằng một tay, đứa thì mở ngay phong bao ra đếm trước mặt khách, lại có đứa tỏ ý so sánh “ít hơn, nhiều hơn” với mấy phong bao của ai đó mừng tuổi trước đấy và tuyệt không thấy cháu nào nói “cảm ơn” cả. Trẻ con vô tư, hồn nhiên chẳng nỡ giận, nhưng quả thực, tuy không nói ra, vợ chồng anh Thanh thầm trách các đồng nghiệp không lưu ý dạy con.
Đến chúc Tết nhà anh trưởng phòng, vợ anh Thanh vừa tỏ ý mừng tuổi hai cậu con lớp ba và lớp bốn, thì bà mẹ xua tay: “Các cháu lớn cả rồi, đã biết tiêu tiền đâu cô chú...”.
- Thì năm mới, bác cứ để các cháu nhận, cho hai vợ chồng em lấy “hên” mà, khỏi “giông” cả năm... - anh Thanh cười, nói khéo.
- Vậy được rồi - bà mẹ miễn cưỡng - Hai con vào mang lợn đất ra đây, cô chú mừng tuổi...
Hai trẻ vâng lời chạy vào buồng, mỗi đứa ôm ra một con lợn đất xinh xinh, trên con nào cũng dán miếng giấy viết dòng chữ học trò, nắn nót “Tiết kiệm tiền quà hằng ngày, để đỡ tiền đóng học cho bố mẹ”. Nhìn hai con lợn đất, vợ chồng anh Thanh không khỏi xúc động, gật gù hài lòng rồi lần lượt gấp mấy tờ bạc mới bỏ vào “lợn tiết kiệm” vẻ trân trọng. Hai đứa trẻ ôm lợn đứng cúi đầu “Cháu cảm ơn cô chú” rồi lui về ghế ngồi.
Sau chuyến đi chúc Tết, anh Thanh viết thư cho Người Xây Dựng kể lại chuyện trên, và bình luận: “Tết qua rồi, nhưng sẽ còn nhiều Tết nữa, câu chuyện vợ chồng tôi chứng kiến ở nhà anh trưởng phòng thật đáng để các bậc làm cha mẹ, nhất là các cha mẹ trẻ, suy nghĩ và học tập. Âu cũng là một cách dạy con nên người...”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.