Giáo dục

Cùng học sinh khuyết tật đến trường

Hà Hiền 11/09/2023 - 06:25

Các hoạt động tiếp sức cùng học sinh khuyết tật trên địa bàn Hà Nội đến trường trong năm học 2023-2024 tiếp tục có sự đồng hành của nhiều cơ quan chức năng và những tấm lòng hảo tâm. Nhờ đó, mạng lưới các trường học, lớp học chuyên biệt có điều kiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh rộng mở cơ hội học tập, rèn luyện kỹ năng.

den-truong.jpg
Cô và trò Trường Phổ thông cơ sở dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội háo hức bước vào năm học 2023-2024.

Đổi mới dạy và học vì học sinh

Để mọi trẻ em khuyết tật trong độ tuổi có khả năng nhận thức được đến trường, năm học 2023-2024, các cơ quan của thành phố Hà Nội cùng những tấm lòng hảo tâm tiếp tục chăm lo, trợ giúp cho nhóm đối tượng này bằng nhiều hình thức. Ngoài các chính sách hỗ trợ về học phí, y tế, đại đa số học sinh được tạo điều kiện thuận lợi để học tập trong môi trường phù hợp.

Với học sinh khiếm thính, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) Phạm Văn Hoan cho biết, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, hiện nay, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, mang đến những tiết học sinh động bằng hình ảnh, giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Cùng đối tượng học sinh khiếm thính, ngoài kiến thức phổ thông, Trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) quan tâm đào tạo kỹ năng sống và hướng nghề cho học sinh. “Sau nhiều năm ấp ủ, nhà trường vừa hoàn thiện phòng thực hành nghề, đưa vào sử dụng từ năm học 2023-2024. Tại đây, các em vừa học lý thuyết, vừa thực hành để tạo ra sản phẩm với các nghề phổ biến là làm bánh, may mặc, pha chế đồ uống, thiết kế đồ họa”, Hiệu trưởng nhà trường Mạc Chung Thủy cho hay.

Trong khi đó, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) đã thiết kế nội dung, chương trình đào tạo theo hướng mở, tạo hứng thú học tập cho đối tượng học sinh chủ yếu là khiếm thính. Dùng ngôn ngữ ký hiệu để trao đổi, em L.T.H (sinh năm 2009, đang là học sinh lớp 4) chia sẻ: “Chúng em rất vui mỗi khi lên lớp. Ở đó, chúng em vừa học kiến thức để biết đọc, viết, làm toán, vừa được các thầy, cô giáo động viên”.

Với đối tượng học sinh khiếm thị, ngoài Trường chuyên biệt phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), các em còn tham gia học tập kiến thức phổ thông, học nghề ở nhiều môi trường giáo dục hiện đại khác. Đối với học sinh không may bị khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ nhưng có khả năng nhận thức, tất cả đều được trao cơ hội đến trường. Riêng những trường hợp không thể đến trường, các em có thể tham gia học tập tại những lớp học tình thương ngoài cộng đồng.

Chẳng hạn, lớp học tình thương tại chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) hiện có 80 học sinh đa khuyết tật đang theo học với học phí “0 đồng”. Cô giáo Lê Thị Hòa - người thành lập lớp học tình thương tại chùa Hương Lan cho biết: “Tùy theo khả năng nhận thức, tính cách của học sinh, chúng tôi áp dụng “giáo trình” giảng dạy phù hợp cho từng em”…

Thắp sáng những ước mơ

Nhờ được học tập, rèn luyện trong môi trường phù hợp, nhiều học sinh khuyết tật dần hình thành những kỹ năng tích cực. Tham gia lớp học tình thương tại chùa Hương Lan nhiều năm qua, học sinh đa dạng tật C.T.K (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) bày tỏ: “Trước đây em nhút nhát lắm, không muốn tiếp xúc với ai. Giờ thì em thích đi học, thích giao tiếp”.

Chứng kiến con gái N.T.T.D bị bại não tiến bộ từng ngày sau khi trở thành học sinh lớp học tình thương tại chùa Hương Lan, ông Nguyễn Văn Sơn (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) kiên trì đưa con vượt quãng đường gần 30km mỗi ngày để đến lớp suốt từ năm 2015 đến nay.

“Từ một đứa trẻ kém phát triển trí tuệ, phát âm không rõ lời, đi lại khó khăn, hiện nay, con gái tôi có thể đọc, viết thạo, làm các phép toán trình độ lớp 3. Ước mơ có việc làm mang lại thu nhập của con tôi hình thành ngày càng rõ. Việc học tập giúp con gái tôi như được sinh ra lần thứ hai”, ông Sơn xúc động nói.

Có hành trình bền bỉ học tập, nỗ lực rèn luyện kỹ năng, học sinh khiếm thị H.H.M (sinh năm 2006) của Trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội khá vững vàng kiến thức, kỹ năng hòa nhập. Giúp H.H.M có thể bước ra xã hội thuận lợi, nhà trường tạo điều kiện cho em vừa học tập, vừa làm trợ giảng cho lớp tiền tiểu học. Tương tự, học sinh K.S.T cũng được Trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội giao “nhiệm vụ” làm trợ giảng cho lớp học kỹ năng sống và hướng nghề.

Đối với học sinh khuyết tật không theo học tập trung, các em cũng có cơ hội thắp sáng ước mơ trong năm học mới nhờ sự quan tâm, chăm lo cả về vật chất và tinh thần của nhiều ngành, nhiều người, nhiều phía. Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ một điều, giữa những thanh âm đa dạng của cuộc sống, thì tình cảm yêu thương, sự quan tâm chia sẻ của các cơ quan chức năng, cộng đồng với học sinh khuyết tật luôn là thanh âm đẹp đẽ. Điều đó góp phần giúp bước đường đến trường của học sinh khuyết tật thêm rộn ràng niềm vui, niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng học sinh khuyết tật đến trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.