Thông qua chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ và kênh phân phối tiện ích, hiện đại và đặc biệt với vị trí là một trong ba ngân hàng dẫn đầu thị trường cả về số lượng thẻ phát hành, doanh số sử dụng thẻ, doanh số thanh toán thẻ, hệ thống ATM, Agribank tích cực góp phần cùng hệ thống tổ chức tín dụng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. |
Tăng cường trang bị cơ sở vật chất
Là Ngân hàng Thương mại đi đầu trong phát triển sản phẩm dịch vụ, nắm bắt xu thế hiện đại trong phát triển của ngành và trên cơ sở bám sát chỉ đạo của NHNN, Agribank tập trung đầu tư trang bị cơ sở vật chất, tạo cơ sở nền tảng vững chắc để phát triển các sản phẩm dịch vụ và kênh thanh toán tiện ích. Agribank đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), hệ thống thanh toán nội bộ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, cho phép cung ứng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Agribank tập trung phát triển các chức năng mới trên hệ thống ứng dụng IPCAS nhằm đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ và quản lý; hoàn thiện, nâng cấp các trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ, cơ sở dữ liệu, hệ thống mạng, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin v.v… Đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống thẻ, ATM và EDC/POS. Đến 31/12/2013, tổng số lượng thẻ phát hành lũy kế của Agribank đạt trên 12,8 triệu thẻ, chiếm khoảng 20% thị phần về phát hành thẻ toàn thị trường. Về số lượng ATM và EDC/POS, Agribank có 2.300 ATM, chiếm khoảng 15% thị phần về số lượng ATM; 8.545 EDC/POS, chiếm tỷ lệ khoảng 7,2% thị phần toàn thị trường…
Với việc đầu tư trang bị cơ sở vật chất hiện đại, Agribank thiết lập nền tảng vững chắc cho hoạt động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ và kênh thanh toán hiện đại, từ đó góp phần tích cực đưa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đi vào đời sống.
Phát triển các sản phẩm dịch vụ và kênh thanh toán hiện đại
Để góp phần tích cực vào việc triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank triển khai hiệu quả nhiều sản phẩm dịch vụ và kênh thanh toán hiện đại như: Thẻ ngân hàng; Dịch vụ Thu ngân sách nhà nước; Chuyển, nhận tiền nhiều nơi Agri-pay; Dịch vụ Mobile Banking (SMS Banking, VnTopup); Kết nối thanh toán với khách hàng; Dịch vụ Bill Payment; Internet Banking… Đây là những SPDV nhiều tiện ích, phù hợp với xu thế thanh toán của toàn cầu.
Trong đó, Thẻ Agribank khẳng định là phương tiện thanh toán được ưa chuộng và sử dụng nhiều, với doanh số thanh toán thẻ năm 2013 chiếm khoảng 19% thị phần, doanh số sử dụng thẻ chiếm khoảng 19,5% thị phần. Đây là con số đầy ấn tượng mà Agribank đạt được trong bối cảnh thị trường thẻ tại Việt Nam có sự tham gia của 52 tổ chức tín dụng. Nhiều SPDV Thẻ của Agribank đã tạo dựng được niềm tin nơi đông đảo khách hàng như Thẻ ghi nợ nội địa (E-Commerce), Thẻ tín dụng quốc tế, Thẻ liên kết sinh viên, Thẻ lập nghiệp, Thẻ liên kết thương hiệu (Co-Brand Card)…
Dịch vụ Thu Ngân sách Nhà nước được Agribank triển khai bắt đầu từ năm 2009 cũng có sự tăng trưởng cả về số lượng và số tiền giao dịch. Đến nay, Dịch vụ này đã hoàn thành triển khai tại tất cả các chi nhánh Agribank có tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Đến 31/12/2013, có 563 chi nhánh Agribank đã triển khai dịch vụ Thu Ngân sách Nhà nước với tổng số 1.284 điểm thu, đã thực hiện 5.145.206 món thu, với số tiền là 115.604 tỷ đồng, tăng 25,2% về số món thu và tăng 33,6% về số tiền thu so với năm 2012.
Doanh số thanh toán thông qua dịch vụ Mobile Banking (SMS Banking, VnTopup), Kết nối thanh toán với khách hàng, Bill Payment, Internet Banking… của Agribank cũng được ghi nhận có sự tăng trưởng vượt bậc. Qua đây, Agribank tạo thêm các kênh thanh toán mới, thuận tiện, mang lại ích lợi cho người tiêu dùng, nhà cung cấp hàng hóa và cả ngân hàng, từng bước góp phần làm thay đổi nhận thức và thói quen thanh toán bằng tiền mặt trong cộng đồng.
Năm 2014 là năm thứ tư triển khai thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ. Hoạt động giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang tăng nhanh. Tuy nhiên, để hoạt động này ngày càng phát triển mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, Agribank xác định cùng hệ thống tổ chức tín dụng khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại thông qua phát triển hạ tầng cơ sở kỹ thuật, công nghệ thanh toán vươn tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua POS/EDC; cải thiện chất lượng dịch vụ ATM… đồng thời tăng cường an toàn bảo mật thông tin, hoàn thiện hành lang pháp lý cho các dịch vụ và kênh thanh toán mới, hiện đại phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.