Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng hành động để chấm dứt bạo lực giới

Hà Hiền| 09/12/2020 06:21

(HNM) - Những năm gần đây, nước ta đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận về bình đẳng giới. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng bạo lực giới vẫn diễn biến phức tạp. Vì thế, trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 (diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12-2020), các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức nhiều hoạt động, nhằm kêu gọi cộng đồng cùng hành động để chấm dứt tình trạng bạo lực giới.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) tham gia chương trình truyền thông phòng, chống bạo lực học đường và bạo lực trên cơ sở giới, ngày 30-11-2020.

Vẫn nhức nhối tình trạng bạo lực giới

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động của nước ta đạt hơn 70%, thuộc nhóm cao trên thế giới. Sự hiểu biết của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng tăng, khi cả nước có 92,5% dân số là nữ trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, cao hơn nam giới (nam giới là 90,8%)... “Những nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà thông tin.

Bên cạnh những tiến bộ vượt bậc, nước ta còn gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Trong đó, vấn đề nhức nhối, nổi cộm là tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn tồn tại. Dẫn chứng kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam vừa công bố, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh cho biết, ở nước ta, 62,9% số phụ nữ tham gia khảo sát phản ánh, họ từng bị ít nhất một hình thức bạo lực (tinh thần, thể xác, tình dục, bị kiểm soát hành vi…) từ người chồng, người yêu hoặc các đối tượng là nam giới khác. Khi không may bị bạo lực, 90% phụ nữ có thái độ cam chịu, không tìm đến sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng hay các dịch vụ trợ giúp xã hội.

Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng bạo lực trên cơ sở giới còn tồn tại dai dẳng, để lại hậu quả cho chính nạn nhân, gia đình và gây thiệt hại về kinh tế cho đất nước (khoảng 1,8% tổng sản phẩm nội địa (GDP) mỗi năm).

Cùng bảo vệ bình đẳng giới

Để phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, giải pháp xuyên suốt được các ngành, địa phương triển khai là mở rộng, phát triển hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội tại cộng đồng thông qua mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng”, “Ngôi nhà bình yên”, “Nhà nhân ái”…

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái, trên địa bàn Hà Nội hiện đã xây dựng được hơn 1.600 mô hình, địa chỉ trợ giúp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, qua đó giúp nhiều người, gia đình có cuộc sống bình yên trở lại. Là người nhận được sự trợ giúp, chị L.H.T. (huyện Hoài Đức) kể, bản thân chị từng bị chồng đánh nhiều lần, dẫn đến bị thương. Trong lúc khó khăn nhất, chị L.H.T. được các cơ quan chức năng đưa đến một địa chỉ tin cậy dành cho phụ nữ bị bạo lực và được trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Điều này giúp cuộc sống của chị L.H.T. dần ổn định.

Giải pháp khác được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, đó là tăng cường tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội và của chính nam giới về vị trí, vai trò phụ nữ, trẻ em gái. Theo đó, các cơ sở giáo dục đã đưa chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên về giới tính, bình đẳng giới vào các giờ học ngoại khóa, sinh hoạt tập thể. Tham gia chương trình truyền thông phòng, chống bạo lực học đường và bạo lực trên cơ sở giới vào ngày 30-11 vừa qua, em Nguyễn Tiến Anh, học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Chúng em được chuyên gia tư vấn phân tích, giải thích rõ, các bạn nữ hoàn toàn bình đẳng với các bạn nam. Dù trong môi trường học đường hay ngoài xã hội, nam giới cũng cần tôn trọng nữ giới, tuyệt đối không dùng bạo lực đối với phụ nữ”.

Đặc biệt, trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020, các hoạt động truyền thông với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” đã được các cơ quan, đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo người dân. Cũng trong khoảng thời gian này, Tổ chức Plan Internationnal tại Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động thúc đẩy và trao quyền cho trẻ em gái tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác, giúp các em nhận thức rõ giá trị của bản thân.

Cùng với các giải pháp đã, đang triển khai, ở góc độ quản lý nhà nước về công tác bình đẳng giới, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ đang xây dựng đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giai đoạn 2021-2025”, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, làm cơ sở cho các ngành, địa phương thực hiện. Tại Diễn đàn phụ nữ và kinh tế APEC năm 2020, Bộ cũng đã cam kết đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của các nỗ lực phục hồi kinh tế trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cùng hành động để chấm dứt bạo lực giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.