Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố hoạt động của HTX nông nghiệp: Việc cần làm ngay

Đỗ Tâm - Bạch Thanh| 30/09/2013 06:20

(HNM) - Hợp tác xã nông nghiệp chỉ phát triển và phát huy tác dụng tốt khi thực sự hoạt động theo nguyên tắc tự lực, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ, hiệu quả hoạt động cao. Vậy nhưng…

Phải mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm được "trụ sở" của HTXNN Phù Lưu Thượng, xã Phù Lưu (Ứng Hòa) vì đơn vị này đang làm việc nhờ tại nhà văn hóa thôn. HTX có trên 700 xã viên nhưng tài sản gần như rỗng tuếch, đáng giá nhất có lẽ là bộ bàn ghế văn phòng vừa dùng để uống nước, tiếp khách vừa để ngồi làm việc. Chủ nhiệm HTX Trần Văn Tung cho hay: "Là một trong hai HTX lớn nhất xã nhưng đời sống cán bộ ở đây cũng chẳng khác gì bà con nông dân, thậm chí còn khó khăn hơn bởi lương của chủ nhiệm được 500.000 đồng/ tháng, phó chủ nhiệm thì bằng 80%. Cả bộ máy HTX gồm 7 người mà quỹ lương chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Công việc thì ngập đầu, ngập cổ. Nhiều khi úng ngập, xã viên đóng cửa ở nhà ngủ nhưng cả Ban chủ nhiệm HTX hì hục ngoài đồng, dầm mưa be bờ đắp đập cả ngày trời! Cũng vì trách nhiệm cả thôi chứ trông mong vào đãi ngộ thì làm gì có. Lương hằng tháng khéo dùng thì đủ tiền xăng xe, điện thoại, làm sao có dư dả để mang về cho gia đình được…".

Thu hoạch rau an toàn tại HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt


Chung tâm thế ấy, ông Đinh Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX An Thái, xã Trầm Lộng (Ứng Hòa) chia sẻ: Trước đây, ngoài nhiệm vụ bảo vệ đồng điền, thủy lợi, làm đất, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, các HTX còn cung ứng phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... cho dân, nhưng nay các dịch vụ này không còn vì người dân tự lo được nên HTX hầu như không có nguồn thu nào đáng kể. "Giờ lương của chủ nhiệm như tôi chỉ được 200.000 đồng/tháng, trong khi công cấy ở nông thôn vào lúc cao điểm cũng 150.000 đồng - 200.000 đồng/ngày. Mà nói là lương cho "oách" chứ số tiền đó chỉ đáng gọi là phụ cấp. Những khi đang vào vụ, lúa chín đỏ đồng mà mình vẫn ở ngoài trụ sở, người nhà cũng cằn nhằn lắm. Nhưng nếu thấy vất vả, đãi ngộ thấp mà quay lưng thì việc chung ai gánh vác?" - ông Hùng ngậm ngùi.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết: Toàn huyện có 28 xã, thị trấn với 106 HTXNN nhưng chỉ có 9 HTX quy mô xã, còn toàn quy mô thôn. Dân bây giờ chủ động lo được giống, vật tư nông nghiệp, HTX chủ yếu làm các khâu dịch vụ mà xã viên không thể làm được như chuyển giao kỹ thuật, bảo vệ đồng điền... Thế nên, đánh giá vai trò HTXNN ở các xã thuần nông cần nhìn nhận dưới góc độ an sinh xã hội, bảo đảm sản xuất nông nghiệp tốt chứ không nên nhìn ở góc độ doanh thu nhiều hay ít để áp đặt về quy mô. Để việc củng cố HTX đúng thực chất và mang tính bền vững, cần khảo sát thực trạng một cách toàn diện, HTX nào cần giữ nguyên, HTX nào nên kết hợp, sáp nhập… và việc này phải lấy ý kiến thăm dò của nhân dân để thống nhất mô hình cho phù hợp.

Trong chuyến khảo sát các HTX trên địa bàn TP Hà Nội trung tuần tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Đào Văn Cần trăn trở với hàng loạt câu hỏi đặt ra: Sau bao nhiêu năm với rất nhiều chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước mà hoạt động của HTXNN vẫn trì trệ, không phát triển lên được là vì sao? Tại chính sách chưa đúng tầm, chưa sát thực tế hay bản thân các HTX quá khó khăn? Một tổ chức như HTXNN đang phải "cõng" trên lưng đủ các dịch vụ mà không một doanh nghiệp nào muốn ghé vai như thủy lợi nội đồng, bảo vệ thực vật, khuyến nông… trong khi phải phục vụ tới cả nghìn xã viên, mỗi vụ lại chỉ thu 1-2kg thóc/hộ/sào, song vẫn duy trì hoạt động và được nông dân đánh giá là hết sức cần thiết là vì lý do gì? "HTXNN hiện không phải "làm dâu trăm họ" mà là làm dâu nghìn họ nhưng đến chỗ làm việc cho tử tế cũng chẳng mấy nơi có được. Thu nhập của chủ nhiệm HTX mỗi tháng nhì nhằng vài trăm nghìn đồng, không đủ đổ xăng đi thăm đồng. Chưa kể, công to việc lớn gì của địa phương, HTX cũng phải có mặt đóng góp dù nhiều dù ít... Để diễn ra tình trạng ấy, đừng đổ cho HTX yếu hay cán bộ chưa tâm huyết!" - Ông Cần bức xúc.

Hà Nội hiện có 1.580 HTX, trong đó có 983 HTXNN, chiếm 59%. Hầu hết các HTXNN tổ chức hoạt động trên 4 khâu dịch vụ là cung ứng giống, vật tư (69% số HTX), khuyến nông (52% số HTX), thủy lợi (58% số HTX), làm đất (25% số HTX)... Một số HTX đã mở rộng thêm các dịch vụ dân sinh như: Môi trường, điện, nước sinh hoạt, quản lý chợ hoặc các ngành nghề phi nông nghiệp khác và chuyển dần sang kinh doanh dịch vụ tổng hợp. Tình trạng chung hiện nay của các HTXNN là hết sức khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của cán bộ còn nhiều hạn chế…


(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố hoạt động của HTX nông nghiệp: Việc cần làm ngay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.