(HNM) - Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề
Nhiều khó khăn
Đề án phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013 đã được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển. Mục tiêu của đề án là bảo đảm cho người dân sinh sống, làm việc ở vùng biển đảo được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ bản, mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng.
Đánh giá sau một năm thực hiện đề án trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về phát triển y tế biển đảo của nhiều bộ, ngành, địa phương và công tác kiện toàn các cơ sở y tế biển đảo. Một số bộ, ngành, địa phương đã chủ động bố trí ngân sách để triển khai các nội dung của đề án, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển cấp cứu cho các xã, huyện đảo. Bộ Y tế, UBND tỉnh Kiên Giang và Bộ Quốc phòng đã thống nhất việc thành lập Bệnh viện Quân dân y 78 từ cơ sở Đội điều trị 78 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, trên cơ sở đó xây dựng đề án thành lập Trung tâm Huấn luyện cấp cứu trên biển. Đặc biệt, trong số 12 huyện đảo, đến nay đã có 11 huyện đảo có cơ sở y tế…
Tuy nhiên, sau một năm triển khai đề án cũng nảy sinh một số khó khăn, bất cập. Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của đề án gắn với chiến lược biển Việt Nam, do đó chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng, thậm chí còn có tư tưởng giao khoán cho ngành y tế. Thêm vào đó, trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo còn khó khăn. Việc thiếu lực lượng tàu, thuyền, máy bay cấp cứu trên biển dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có đủ đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành về y học biển. Việc cấp thẻ BHYT cho cư dân trên đảo còn thấp, chỉ đạt gần 60%...
Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam cho rằng, hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe ngư dân trên biển gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do ngư dân có quan điểm mê tín, kiêng mang phao, áo cứu sinh. Thêm vào đó, đa phần ngư dân đi biển không quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe. Khảo sát nhiều tàu gần bờ và tàu đánh bắt xa bờ đều không có tủ thuốc và dụng cụ cấp cứu. Do đó, khi xảy ra thương tích trên biển, họ không có điều kiện để sơ cấp cứu ban đầu.
Trước thực tế trên, có ý kiến cho rằng, nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với lực lượng biên phòng, chẳng hạn như không cấp phép ra khơi cho những tàu thuyền chưa trang bị thuốc men y tế, đầy đủ dụng cụ cứu hộ, nhất là đối với những tàu đánh bắt xa bờ.
Tăng cường nhân lực và vật lực
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, đặc thù biển đảo khác đất liền. Hơn nữa, dịch bệnh, bệnh tật kết cấu cũng khác nhau. Do vậy, không thể mang mô hình y tế đất liền ra áp dụng tại biển đảo thậm chí có những thiết bị y tế mang từ đất liền ra biển cũng không phù hợp. Mặt khác, nguồn nhân lực phục vụ trong hệ thống y tế biển đảo hiện không thiếu hụt về số lượng nhưng lại thiếu hụt nhiều về kiến thức y học biển. Tới đây, nguồn nhân lực y tế phục vụ cho các lực lượng trên biển sẽ được cụ thể hóa và tăng cường chuyên môn y tế biển đảo.
Nhiều ý kiến đề xuất, cần đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc, đào tạo thêm về y học biển. Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo Trường Đại học Y dược Huế, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh xây dựng đề án thành lập bộ môn y học biển nhằm tăng cường cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ y tế biển đảo trên toàn quốc. Ngoài ra, ngành y tế cũng sẽ tăng cường thêm những mô hình trợ giúp y tế từ xa trong các mô hình cấp cứu trên biển. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ chuyên môn từ đất liền ra biển đảo qua vệ tinh, internet, radio… mà nhiều kíp phẫu thuật đã thực hiện thành công.
Tương lai sẽ có lực lượng cấp cứu trên biển đủ đáp ứng kịp thời trong công tác chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho ngư dân. Hiện Việt Nam cũng đã có tàu quân y đầu tiên trên biển. Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, tàu được trang bị hiện đại. Đây chính là việc làm thiết thực, hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe ngư dân và công dân vùng biển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.