Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai

Kim Văn| 14/12/2020 06:30

(HNM) - Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng đội xung kích phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, để lực lượng này thực sự trở thành nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai tại cơ sở, cần thường xuyên tập huấn, trang bị kỹ năng, phương tiện... theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Đội xung kích phòng, chống thiên tai xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn) diễn tập xử lý sự cố trên tuyến đê sông Cà Lồ.

100% địa phương có đội xung kích

Nam Phương Tiến là một trong 5 xã trọng điểm về thiên tai của huyện Chương Mỹ. Để giảm tổn thất về người và tài sản, địa phương này đặc biệt coi trọng công tác xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại chỗ...

Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Hoàng Bá Phích cho biết, trước mùa mưa bão, xã rà soát và kiện toàn Đội Xung kích phòng, chống thiên tai; đồng thời, phối hợp với huyện Chương Mỹ, Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội tổ chức tập huấn kỹ thuật bảo vệ tuyến đê sông Bùi; kỹ năng chằng chống nhà cửa, sơ tán và bảo vệ tài sản của nhân dân khi thiên tai xảy ra…

Cùng với Nam Phương Tiến, 31 xã, thị trấn khác của huyện Chương Mỹ đã xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với tổng số 3.270 người... “Nhờ có lực lượng này, huyện Chương Mỹ đã chủ động hơn trong thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm gần đây...”, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học chia sẻ.

Tương tự huyện Chương Mỹ, hiện nay, 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã với tổng số 64.948 người..., nòng cốt là dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, nông dân... Ngoài chịu trách nhiệm xử lý giờ đầu sự cố, thiên tai, các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã còn chốt canh những nơi nguy hiểm, cứu trợ, giữ an ninh trật tự vùng bị cô lập... Nói cách khác, đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả sự cố, thiên tai tại các địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”...

Cần chuyên nghiệp hóa

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho rằng, ngoài kết quả đạt được, nhiều đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã hiện còn hạn chế về kỹ năng, thiếu trang thiết bị nên gặp nhiều khó khăn khi xảy ra tình huống xử lý khẩn cấp, thiên tai diện rộng. Nguyên nhân là do một số địa phương thiếu kinh phí nên chưa thường xuyên tập huấn, huấn luyện kỹ năng ứng phó từng loại hình thiên tai, sự cố cho lực lượng xung kích cấp cơ sở...

“Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được làm những việc có lợi cho bà con làng xóm. Nhưng để công việc đạt hiệu quả hơn, tôi mong các cấp, các ngành thường xuyên tập huấn để có thêm kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân. Thực tế, nhiều năm nay chúng tôi làm bằng kinh nghiệm là chủ yếu với dụng cụ đơn giản như đèn pin, cuốc, xẻng, dao… tự trang bị”, ông Đinh Văn Trường, đội viên Đội Xung kích phòng, chống thiên tai xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức) nói.

Tìm hiểu thực tế tại một số xã trên địa bàn các huyện: Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Quốc Oai, Ba Vì…, nhiều đội viên đội xung kích phòng, chống thiên tai cùng có ý kiến tương tự ông Đinh Văn Trường…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội xung kích phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo 22 xã, thị trấn trên địa bàn xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hộ đê, sơ tán dân thoát khỏi vùng ngập úng...

Tương tự, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn duy trì thường xuyên hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; phân công, giao nhiệm vụ cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cụ thể, sát thực tế tại địa phương... Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cũng đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố báo cáo, đề xuất UBND thành phố có cơ chế xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai theo hướng chuyên nghiệp bằng biện pháp hỗ trợ phụ cấp, quần áo bảo hộ, phương tiện làm việc…

Liên quan vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiếp tục củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai tại địa phương bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay...

"Sở NN&PTNT đang đề xuất UBND thành phố xây dựng, phát triển lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo hướng chất lượng, hiệu quả; đồng thời, chỉ đạo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tập huấn, diễn tập để nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó một số loại hình thiên tai, sự cố thường xuyên xảy ra trên địa bàn cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã...", ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.