(HNM) - Thông tin về sự xuất hiện
Đến nay, thị trường Hà Nội vẫn chưa phát hiện mẫu gạo giả nào. Ảnh: Như Ý
Thận trọng khi thông tin tiêu dùng
Không có gì gần gũi hơn miếng ăn hằng ngày. Vì vậy chỉ cần hai từ "gạo giả" thôi đã đủ làm dư luận xôn xao gây tâm lý hoang mang. Khi đưa thông tin chưa được kiểm chứng một cách dễ dãi như vậy, cơ quan báo chí đã "bấm nút" truyền tin thất thiệt với tốc độ chóng mặt, tỷ lệ thuận với độ nhạy cảm. Bằng chứng là không chỉ nhiều tờ báo mạng đưa lại mà hàng loạt trang web cộng đồng đã lan truyền với tinh thần "cảnh báo" dù chưa biết là đúng hay sai?
Vẫn biết đối với nghề báo, trước tất cả những thông tin về mọi lĩnh vực, để có "một phiên bản tốt nhất của sự thật" thôi đã là rất khó. Tuy nhiên, tin thất thiệt về "gạo giả", rồi "trứng giả" trước đây… cho thấy, hình như từ PV đến tòa soạn đã có sự bỏ qua những nỗ lực để đạt tới sự chân thực, nhất là những thông tin liên quan đến từng con người và cả xã hội. Sổ tay nghề nghiệp của các nhà báo phương Tây có riêng một mục về "Tường thuật các đề tài tiêu dùng". Trong đó, nêu rõ "Tin bài về vấn đề này có thể cung cấp nhiều thông tin giá trị không chỉ cho độc giả là người tiêu dùng mà còn cho các nhà sản xuất, tài chính và cả những nhà quản lý. Những đề tài này phải được tường thuật thận trọng và viết có sức thuyết phục". Ví dụ nêu ra là tờ The Denver Post từng bị kiện ra tòa khi đăng tin về một loại máy giặt sấy luôn làm hư hỏng áo quần…
Nhiều nhà báo chung quan điểm: Nếu thông tin về "gạo giả" không chính xác thì điều này không chỉ gây hoang mang cho người dân mà còn ảnh hưởng tới việc kinh doanh của đại lý bán gạo và lớn hơn có thể gây tác hại cho việc xuất khẩu gạo của cả nước (!).
Cũng từ đây, một vấn đề đặt ra là đứng trước thông tin tiêu dùng nhạy cảm như vậy, nhà báo làm gì để không bỏ qua mà cũng không trở thành người lan truyền tin thất thiệt?
Không thông tin khi chưa rõ
Trao đổi về tình huống xử lý trước những thông tin có khả năng gây hại cho xã hội và quyền được thông tin ban đầu của báo chí, nhà báo Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) chia sẻ: Không chỉ lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, mà với tất cả những thông tin khác, báo chí cũng cần phải xác minh rõ trước khi đăng tải. Nhà báo không phải lúc nào cũng biết rõ về mọi lĩnh vực, vì vậy cần phải hỏi, tham vấn các chuyên gia. Anh có thể phát hiện, phản ánh và thông tin tới cơ quan chức năng để làm rõ những nghi vấn của mình. Khi đã có kết luận chính thức thì mới xem xét đưa tin trên phương tiện truyền thông. Thông tin ban đầu chỉ xảy ra với trường hợp như thông báo thiệt hại về người trong một vụ tai nạn, hỏa hoạn… Đối với những dạng tin liên quan đến từng bữa ăn của người dân như thế, không thể đưa tin theo kiểu "nghe đồn" được.
Cùng quan điểm trên, nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTX Việt Nam nhấn mạnh thêm: Đối với loại thông tin có ảnh hưởng rộng lớn tới xã hội, dù là biết chính xác thì cũng không phải tùy tiện đưa lên công luận. Ngay cả xác minh đúng thì cũng phải xem nó ở mức độ nào và cần phản ánh đến đâu. Đấy mới là người làm báo có trách nhiệm! Dễ dàng tung lên mạng, rồi mạng này đưa sang mạng kia, sẽ trở thành một sự lan truyền tai hại.
Báo mạng và thách thức về quản lý
Với tính chất lan truyền qua mạng internet và qua những trường hợp đưa tin thiếu trung thực của một số báo mạng thì vấn đề quản lý báo điện tử trở nên đặc biệt quan trọng. Nhà báo Đỗ Phượng chia sẻ, năm 1992, ông đã báo cáo trước Ban Chấp hành TƯ Đảng về vấn đề internet. Ông cũng khẳng định đây là vấn đề đã nhìn thấy trước. Và nhiều nhà báo được hỏi cho rằng: Nhân dịp này cần kiểm tra và xử lý nghiêm những báo mạng đưa thông tin thất thiệt, thậm chí gây hại.
Với tư cách nhà quản lý, nhà báo Hoàng Hữu Lượng khẳng định: "Trên cơ sở những kết luận của cơ quan chức năng, cần phải xử lý nặng những cá nhân và cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội. Quy định của pháp luật cơ bản đã đầy đủ để có thể áp dụng, như phạt hành chính, phạt tiền, cao hơn là thu hồi thẻ, đình chỉ hoạt động...".
Trong câu chuyện này, nỗi băn khoăn lớn nhất, cũng lại mở ra những vấn đề quan trọng như suy nghĩ của nhiều nhà báo là phóng viên có trách nhiệm của phóng viên, nhưng phải thấy trách nhiệm của người quyết định cuối cùng đưa lên mạng. Liệu có một lỗ hổng nào trong quy trình biên tập đối với loại hình báo chí nhanh nhạy này không? Phải chăng, chỉ vì cần nhanh, nóng, thu hút lượng truy cập cao mà người làm báo dễ dàng bỏ qua những tác động có hại tới xã hội? Thực ra "gạo giả", "trứng giả"… là thông tin gây "sốc", nhanh chóng được kiểm chứng, nhưng còn rất nhiều dạng thông tin phản cảm, thiếu trung thực về các lĩnh vực khác như văn hóa, văn nghệ, không "sôi sùng sục" ngay, song lại làm tổn thương nhiều người và nguy hại một cách lặng lẽ.
Vậy thì, nói cho cùng, như chia sẻ của nhà báo Đỗ Phượng, quản lý báo mạng không phải là câu chuyện của công nghệ mà là câu chuyện con người - tòa soạn và người quản lý cơ quan báo chí đó khi duyệt tin, bài, phát thông tin trên mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.