(HNMO) - Sáng 30-3, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức "Lễ bàn giao hồ sơ "Thư gửi mai sau" của TP Hà Nội vào bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. |
Tới dự buổi lễ có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ VH,TT&DL và một số nghệ nhân, nhà nghiên cứu tham gia vào quá trình soạn thảo, thể hiện "Thư gửi mai sau".
Chương trình do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và UBND TP Hà Nội thực hiện với mục đích lưu giữ lại bước thư gửi gắm tâm tư, ước nguyện của chính quyền, nhân dân Thủ đô tới thế hệ mai sau; góp phần bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội cho muôn đời sau.
"Thư gửi mai sau" là một trong những nội dung quan trọng trong "Đề cương các hoạt động tiến tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm, do TP Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện trước sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Bức thư do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp tham gia soạn thảo cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa.
Bà Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết, hồ sơ "Thư gửi mai sau" là tài liệu quý giá và Cục giao trực tiếp cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III bảo quản trong điều kiện tốt nhất; theo chế độ tối mật.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, UVTV, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy trao hồ sơ “Thư gửi mai sau” cho Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. |
Bức thư sẽ được mở vào năm 2110, là một thông điệp thể hiện sự tri ân với tổ tiên, thể hiện tình cảm, niềm tự hào của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung và những mong ước về mai sau. Trải qua 1000 năm lịch sử, với sự ý thức rằng mình đã được sống trong một thời đại vinh quang của dân tộc, thế hệ hôm nay muốn gửi gắm lại tới thế hệ mai sau những tình cảm, truyền thống đó và mong muốn 100 năm sau, những truyền thống đó vẫn sẽ được tiếp nối.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cảm ơn các nhà nghiên cứu như Tô Hoài, Giang Quân, Nguyễn Vinh Phúc cùng một số nghệ nhân thuộc Hội nghệ nhân thợ giỏi Hà Nội đã góp trí tuệ, công sức để "Thư gửi mai sau" trở thành hiện thực.
Đồng chí Phạm Quang Nghị cũng bày tỏ sự tin tưởng vào họat động nghiệp vụ của Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, trực tiếp là Trung tâm Văn thư Lưu trữ quốc gia III trong việc tiếp nhận, bảo quản bộ hồ sơ "Thư gửi mai sau" để các thế hệ con cháu mai sau được biết về lịch sử Thăng Long - Hà Nội 1000 năm và những lời nhắn gửi của đương đại đến các thế hệ kế tiếp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.