Ông Đỗ Hữu Đức, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, khuyến cáo chủ phương tiện cần sớm đưa xe thuộc diện triệu hồi để kiểm tra xử lý. Sau khi kết thúc việc kiểm tra, xử lý, chủ phương tiện cần yêu cầu cơ sở bảo dưỡng sửa chữa cung cấp Bản xác nhận nội dung và kết quả kiểm tra để lưu giữ, bảo quản.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đợt triệu hồi xe lớn nhất trong lịch sử thị trường ôtô Việt Nam vừa được Toyota VN (TMV) triển khai từ đầu tuần này ?
Ông Đỗ Hữu Đức: Đối với các sản phẩm hàng hóa sản xuất hàng loạt như đồ điện tử, dầy dép, quần áo,ô tô, xe máy....việc đôi khi có một vài lô sản phẩm có lỗi kỹ thuật là một điều không thể tránh khỏi vì vậy ở trên thế giới việc triệu hồi sản phẩm có lỗi để sửa chữa là một động thái hết sức bình thường.
Sau khi kết thúc việc kiểm tra, xử lý, chủ phương tiện cần yêu cầu cơ sở bảo dưỡng sửa chữa cung cấp Bản xác nhận nội dung và kết quả kiểm tra để lưu giữ, bảo quản.
Ảnh minh hoạ
Từ trước đến nay, Công ty ô tô Toyota Việt Nam ( TMV ) cũng như một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô khác đã từng có báo cáo gửi Cục ĐKVN đồng thời thông báo tới khách mua xe về lỗi kỹ thuật và kế hoạch sửa chữa, khắc phục lỗi.
Ông có khuyến cáo đối với những người tiêu dùng có xe nằm trong diện triệu hồi ?
Chủ phương tiện cần sớm đưa các xe thuộc đối tượng theo thông báo của TMV đến các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa được TMV ủy quyền để kiểm tra, xử lý. Trong trường hợp, chủ phương tiện thấy cơ sở bảo dưỡng sửa chữa trong hệ thống được TMV ủy quyền không thực hiện đúng nội dung kiểm tra và khắc phục lỗi như thông báo của TMV thì có thể liên hệ với TMV để được trợ giúp.
Sau khi kết thúc việc kiểm tra, xử lý, chủ phương tiện cần yêu cầu cơ sở bảo dưỡng sửa chữa cung cấp Bản xác nhận nội dung và kết quả kiểm tra để lưu giữ, bảo quản.
Với vai trò là cơ quan giám sát chất lượng xe khi xuất xưởng, ông đánh giá thế nào về những lỗi kỹ thuật buộc TMV phải triệu hồi xe ?
Theo báo cáo của TMV thì các sản phẩm Innova, Fortuner nằm trong phạm vi có thể có các lỗi kỹ thuật liên quan đến áp suất dầu phanh bánh sau cao hơn tiêu chuẩn, bu long bắt móc neo chân ghế bị giảm lực xiết, xiết bu long Camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn. Các lỗi này có nguy cơ gây mất an toàn cho xe khi vận hành ở một số điều kiện nhất định. Vì vậy, chủ phương tiện cần sớm đưa các xe thuộc đối tượng theo thông báo của TMV đến các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa được TMV ủy quyền để kiểm tra, xử lý.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến những lỗi này, thưa ông?
Đây là các lỗi phát sinh trong quá trình lắp ráp xe. Ngay sau khi phát hiện ra các lỗi kỹ thuật, tự TMV cũng đã có các biện pháp để hạn chế việc phát sinh lỗi. Về phía mình, Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn đang tiếp tục cùng TMV làm rõ hơn nguyên nhân và biện pháp nhằm hạn chế các lỗi kỹ thuật cho các sản phẩm khác trong tương lai.
Vậy trách nhiệm khắc phục lỗi kỹ thuật ?
Tại Điều 10 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa đã quy định rõ, việc khắc phục sản phẩm hàng hóa có lỗi kỹ thuật thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất. Vì vậy, trong trường hợp này - Việc kiểm tra và hiệu chỉnh đối với các xe thuộc đối tượng có khả năng có lỗi kỹ thuật là trách nhiệm của TMV.
TMV chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và pháp luật về kết quả kiểm tra, xử lý lỗi kỹ thuật của mình.
Tại Việt Nam, dường như chúng ta vẫn chưa có văn bản pháp lý nào nhắc đến việc triệu hồi xe bị lỗi ?
Như ở trên đã trình bày, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng đã quy định việc khắc phục sản phẩm hàng hóa có lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, đối với từng loại sản phẩm hàng hóa cần có phương thức riêng, phù hợp với loại sản phẩm hàng hóa đó. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký ban hành Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới để thay thế cho quyết dịnh số 34/2005/QĐ-BGTVT trước đây. Trong thông tư này đã có nội dung quy định cụ thể về việc triệu hồi xe cơ giới sản xuất, lắp ráp có lỗi kỹ thuật.
Xin cảm ơn ông !
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.