(HNM) - Tuần qua, Cuba thông báo sẽ cắt giảm hơn 1 triệu nhân viên trong các cơ quan nhà nước từ nay tới năm 2015. Trong đó, 500.000 người sẽ bị cắt giảm từ tháng 3-2011. Đây là cuộc cắt giảm lớn nhất trong bộ máy nhà nước Cuba kể từ khi quốc đảo vùng Caribe giành được độc lập vào năm 1959.
Những người bị cắt giảm việc làm được Nhà nước Cuba khuyến khích mở cơ ngơi làm ăn riêng hoặc gia nhập các công ty tư nhân. |
Giải thích về đợt cắt giảm nhân viên lớn nhất trong lịch sử hiện đại Cuba, cơ quan phụ trách lao động việc làm nước này cho hay, Cuba không thể và sẽ không tiếp tục duy trì các đơn vị kinh tế, dịch vụ được bao cấp quá nặng, thua lỗ lớn làm hại nền kinh tế. Chính phủ sẽ chỉ tuyển dụng trong những lĩnh vực cần thiết như nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, hành pháp và giáo dục. Quan trọng hơn, Cuba cho biết sẽ tăng các cơ hội việc làm ở khu vực tư nhân, cho phép người dân tự làm chủ và thành lập các hợp tác xã độc lập, và tăng cường cho thuê đất đai, cơ sở kinh doanh và cơ sở hạ tầng... để không chỉ đáp ứng việc làm cho những người sẽ thôi việc mà còn cho cả những người đang khó khăn về việc làm. Đây là một phần trong chính sách đổi mới kinh tế do Chủ tịch Cuba Raul Castro khởi xướng kể từ khi ông thay thế anh trai Fidel Castro vào năm 2008. Tháng 8 vừa qua, ông Raul Castro đã tỏ ý quyết tâm cải cách nhằm tăng tính hiệu quả của nền kinh tế Cuba.
Trong mô hình kinh tế của Cuba, nhà nước kiểm soát hơn 90% kinh tế, trả lương cho công nhân (ước tính 5,1 triệu người) khoảng 20 USD/tháng, đổi lại họ được chăm sóc y tế, giáo dục miễn phí và gần như không phải trả tiền nhà ở, đi lại. Thực tế, nền kinh tế Cuba bị ảnh hưởng nặng nề do lệnh cấm vận thương mại của Mỹ tồn tại suốt 48 năm nay, đó là chưa kể ảnh hưởng nặng nề của suy thoái toàn cầu và thiên tai tàn phá. Cuba phải nhập khẩu đến 80% nhu cầu lương thực nhưng lại bỏ hoang đến 50% diện tích đất canh tác. Tỷ lệ thất nghiệp năm ngoái là 1,7% và chưa từng tăng quá 3% trong suốt 8 năm qua. Tuy nhiên, có hàng nghìn người Cuba không tìm kiếm việc làm vì mức lương quá thấp. Trong tình trạng này Chính phủ Cuba không còn cách nào khác là phải từ bỏ nền kinh tế bao cấp, mặc dù sẽ phải đối mặt với nhiều bất trắc. Hồi cuối tháng 8, Havana ban hành 2 chính sách quan trọng hướng đến thị trường tự do. Một là luật cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất đến 99 năm, đồng thời nới rộng kinh doanh cá thể. Hai là kế hoạch tái tổ chức lực lượng lao động được cho là thay đổi lớn nhất trong cơ cấu việc làm của Cuba kể từ khi cách mạng Cuba thành công năm 1959.
Quyết định để hơn 1 triệu nhân viên Cuba nghỉ việc đã gây chấn động lớn trong xã hội vốn quen với lối sống bao cấp. Với quyết định trên, gần 1/5 trong số lực lượng lao động công sẽ được chuyển sang lĩnh vực tư nhân. Theo Liên đoàn Lao động Cuba, những người lao động sẽ nhận trợ cấp thôi việc tương đương 60% lương trong lúc chờ việc mới. Cuba dự tính có thêm 200.000 việc làm mới trong khu vực doanh nghiệp không thuộc khối nhà nước, cấp 250.000 giấy phép kinh doanh tư nhân mới đến cuối năm 2011, tăng gấp đôi hiện nay. Khoảng 100.000 người dân sẽ được thuê đất nhà nước để canh tác. Cuba cũng sẽ cải tổ hệ thống "trả lương theo kết quả công việc".
Người dân Cuba đang kỳ vọng về những thay đổi khi chính phủ cho phép mở cửa một số lĩnh vực kinh tế. Cuba đã "bật đèn xanh" - từ tháng 4-2010 - cho kế hoạch thử nghiệm tư nhân hóa khi để các cửa hiệu cắt tóc và làm đẹp trước đây phần lớn là "quốc doanh" bung ra làm ăn theo thể thức thị trường. Kế hoạch tái tổ chức lực lượng lao động lớn nhất từ trước đến nay của Cuba đã được khởi động dựa trên kinh nghiệm của một số nước đang hứa hẹn một thành tựu mới nhằm tạo sức sống mới cho mạng lưới an sinh xã hội tồn tại lâu năm theo kiểu bình quân chủ nghĩa tại đất nước Tây bán cầu này. Theo các nhà phân tích, cuộc cải tổ là rất tiềm năng và là "cú hích" lớn với Cuba trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.