(HNMO) - Phần lớn cử tri thành phố Hồ Chí Minh đồng thuận chủ trương về việc sáp nhập các đơn vị hành chính nơi cư trú, một số ít còn băn khoăn lo ngại việc phải thay đổi hồ sơ, giấy tờ liên quan sau khi sáp nhập.
Đa số cử tri đồng thuận
Hôm nay (3-10), cử tri các quận 2, 9, Thủ Đức và cử tri 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận đã đồng loạt đi bỏ phiếu thể hiện ý kiến của mình về việc sáp nhập các đơn vị hành chính nơi cư trú theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2021.
Ông Nguyễn Đình Tùng (ngụ số 58/5, Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3) cho biết, việc sáp nhập các phường 6, 7 và 8 thành phường Võ Thị Sáu là chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền thành phố, phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
“Ba phường này có diện tích không lớn nên việc sáp nhập là cần thiết. Nơi đây có tuyến đường Võ Thị Sáu chạy qua nên tên gọi mới là phường Võ Thị Sáu sẽ giúp người dân dễ nhớ, thuận lợi”, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay.
Còn bà Ngô Thị Lan (ngụ 144/25, Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4) cho biết, phường 2 và phường 5 có diện tích khá nhỏ, cùng có tuyến đường Bến Vân Đồn chạy qua nên việc sáp nhập là cần thiết. “Gia đình tôi có 5 người đều đồng ý sáp nhập phường 2, phường 5 thành phường 2”, bà Ngô Thị Lan chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch UBND phường 5 (quận 4) cho biết: "Trước khi người dân bỏ phiếu cho ý kiến về việc sáp nhập phường 2 và phường 5, cán bộ, công chức của phường cũng đã trực tiếp xuống địa bàn gặp người dân để thăm dò ý kiến. Qua thăm dò, phần lớn người dân đều đồng thuận chủ trương này".
Tại quận Phú Nhuận, cử tri phường 13 và phường 14 cũng phấn khởi đi bỏ phiếu cho ý kiến về việc sáp nhập hai phường. Anh Phan Công Danh (ngụ số 1168, Trường Sa, phường 13) cho biết, người dân tại nơi anh sinh sống rất phấn khởi khi biết chính người dân sẽ quyết định việc sáp nhập hai phường. “Chúng tôi cho ý kiến về sáp nhập phường cũng là cách để thể hiện trách nhiệm của công dân”, anh Phan Công Danh nói.
Gần 21.000 cử tri của phường 2 và phường 3 (quận 10) cũng đã được lấy ý kiến về việc sáp nhập hai phường trên thành phường 2. Ghi nhận cho thấy, phần lớn cử tri đều đồng thuận. Bà Phan Thị Thanh (ngụ 382/6, Sư Vạn Hạnh, phường 2, quận 10) chia sẻ: “Chúng tôi đã được cán bộ phường tuyên truyền chủ trương này từ trước. Hôm nay, gia đình tôi bỏ phiếu đều đồng thuận. Sáp nhập phường 2 và phường 3 sẽ tinh gọn bộ máy hoạt động, cán bộ, công chức sẽ có trách nhiệm hơn”.
Cử tri mong muốn được tạo thuận lợi về thủ tục
Anh Võ Thành Công (ngụ phường 6, quận 3) cho biết, bản thân anh đồng ý chủ trương sáp nhập phường nhưng lại lo ngại hồ sơ, giấy tờ nhà đất và giấy tờ cá nhân phải làm lại. “Tôi không biết các loại giấy tờ trên sẽ như thế nào sau khi sáp nhập. Nếu phải làm lại, thủ tục có phức tạp không?”, anh Võ Thành Công băn khoăn.
Ông Trần Quốc Đạt, Tổ dân phố 19, phường 6, quận 3 cũng băn khoăn về việc người dân sẽ tốn thời gian, tiền bạc để thay đổi thông tin hồ sơ, giấy tờ.
“Người dân tại tổ dân phố chúng tôi mong muốn sau khi sáp nhập 3 phường, chính quyền tạo điều kiện tối đa để người dân dễ dàng cập nhật lại hồ sơ, giấy tờ”, ông Trần Quốc Đạt bày tỏ.
Chị Bùi Thị Phương Hoa (ngụ phường 12, quận 4) băn khoăn, sau khi sáp nhập phường 12 và phường 13, bộ máy chính quyền sẽ tinh gọn lại thì liệu chính quyền có đủ lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự, cũng như giải quyết thủ tục hành chính? “Đây cũng là băn khoăn của nhiều hộ dân nơi tôi sinh sống”, chị Bùi Thị Phương Hoa cho hay.
Giải đáp về vấn đề này, UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin, nếu chủ trương được thực hiện, UBND các quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp sẽ chủ động triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ. Thành phố sẽ không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi và tạo thuận lợi tối đa trong việc chuyển đổi giấy tờ, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp... Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ, nếu chưa hết thời hạn theo quy định thì vẫn tiếp tục được sử dụng tại đơn vị hành chính mới.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2019-2021, sau khi sáp nhập (bao gồm việc sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức), thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm từ 24 quận, huyện còn 22 quận, huyện (gồm 16 quận, 1 thành phố, 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).
Về việc lấy ý kiến sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức thành thành phố mới, tính đến 20h ngày 3-10, UBND quận 9 thông tin, kết quả kiểm phiếu ban đầu cho thấy, hơn 97% trong tổng số 142.090 cử tri trên địa bàn đồng ý sáp nhập; 96% đồng ý lấy tên là thành phố Thủ Đức. UBND các quận 2 và Thủ Đức vẫn đang tiến hành công tác kiểm phiếu và sẽ công bố kết quả vào ngày 4-10.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.