(HNM) - Hôm nay, 20-5, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp đặc biệt, một cơ hội để đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội. Thông qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị, có thể thấy, cử tri Thủ đô ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ “kép”, song cho rằng còn nhiều vấn đề “nóng” nổi lên trong đời sống xã hội cần được quan tâm giải quyết.
Giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh, cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép” - vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, nhân dân thể hiện sự tin tưởng và phấn khởi khi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được triển khai kịp thời, góp phần ổn định đời sống người dân.
Từ yếu tố khách quan là dịch bệnh đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội từ đầu năm 2020, cử tri các quận: Hà Đông, Long Biên, Hai Bà Trưng và thị xã Sơn Tây… nêu thực tế, dịch bệnh dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể; lao động mất việc làm, thiếu việc làm tăng... Từ đó, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch, đồng thời có giải pháp mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, cải cách hành chính… để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cử tri Nguyễn Ngọc Chiến (xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức) nêu vấn đề việc xác nhận mức thu nhập để hỗ trợ đối tượng lao động tự do trên địa bàn theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 “Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” có bất cập, cần hướng dẫn cụ thể hơn và nên thực hiện theo tiêu chí đánh giá chuẩn nghèo đa chiều.
Cử tri các địa phương cũng nêu vấn đề một số đối tượng ở Hà Nội lợi dụng việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch để trục lợi và đề nghị sớm đưa vụ án ra xét xử. Đồng thời, cần làm rõ có hay không việc vi phạm tương tự ở một số địa phương khác mà dư luận đặt vấn đề.
Kiến nghị vấn đề giáo dục, môi trường, nông nghiệp
Quản lý tài nguyên, môi trường tiếp tục nổi lên là vấn đề “nóng” được kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ chín. Cử tri Nguyễn Hữu Lực (xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ) nêu, thời gian qua, tình trạng “cát tặc” thường xuyên hoành hành tại tuyến sông Hồng trên địa bàn xã. Còn cử tri Đinh Duy Hòa (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) phản ánh, nguồn nước sông Pheo ngày càng ô nhiễm, không thể dùng để tưới cho cây trồng, do đó đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn triệt để các nguồn xả thải...
Về vấn đề giáo dục - đào tạo, cử tri Bùi Thị Thu Hằng (huyện Đan Phượng) kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Nhà giáo nhằm bảo đảm quyền lợi đối với giáo viên, song song với giải pháp đào tạo đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Cử tri địa bàn nông thôn cũng quan tâm đặc biệt đến các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cử tri Nguyễn Đình Anh (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) băn khoăn về tình hình rớt giá nông sản, năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp, từ đó mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Cử tri các huyện Ba Vì, Thanh Oai, Quốc Oai cũng nêu thực trạng nhiều công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp, tiêu thoát ngập úng trên địa bàn đang xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu sửa để phục vụ sản xuất, đời sống.
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề tới kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. Cụ thể, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt phương án phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch Covid-19; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp...
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ chín đều là những vấn đề lớn của xã hội. Mong rằng, các cấp, ngành sớm có biện pháp giải quyết triệt để, bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.