Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cú sốc” từ một hiện tượng văn học

Nguyễn Triều| 12/12/2011 06:45

(HNM) - Một cậu bé người Việt tên là Nguyễn Bình mới 10 tuổi đã tự mình viết cả một tiểu thuyết viễn tưởng khoa học mạo hiểm dài chừng 1.000 trang.


Tập 1 của cuốn tiểu thuyết này vừa được NXB Trẻ phối hợp NXB Hồng Bàng phát hành. Đây quả đúng là một hiện tượng rất đáng quan tâm trong làng văn học hiện đại của nước ta hiện nay. Theo lời giới thiệu của nhà thơ Trần Đăng Khoa - người từng nổi danh là “thần đồng'' khi cho ra mắt tập thơ đầu tay diệu kỳ Góc sân và khoảng trời lúc lên 10 tuổi - cậu bé Nguyễn Bình hoàn thành tập đầu của bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom (còn 7 tập nữa) khi vừa 9 tuổi 4 tháng.

Thế hệ trẻ của chúng ta ngày nay có rất nhiều điều kiện để thể hiện, phát huy tài năng và thực sự đã có những tài năng đầy triển vọng được cộng đồng thế giới công nhận. Hiện tượng Nguyễn Bình là một trong những biểu hiện rõ nhất của thực tế này. Thế nhưng những hiện tượng như vậy cũng đồng thời xác nhận một xu hướng khác, rất đáng báo động, có lúc vượt trội, lấn át những giá trị truyền thống trong nhận thức, thế giới quan, trong ý thức, quan niệm, lối sống của giới trẻ: hướng ngoại và sùng ngoại!

Hiện tượng đáng lo ngại này đã được nhiều người, nhiều lần ở nhiều cấp độ cảnh báo. Khi đất nước mở cửa hội nhập, nhiều thứ đến với xã hội chúng ta một cách ồ ạt với những điều mới lạ, hấp dẫn và cả những cái độc hại. Thế hệ trẻ ngày nay, ngay từ khi còn nhỏ các em đã có xu hướng sùng ngoại, trước hết là xu hướng lai tạp trong lối sống, trong sinh hoạt, trong trang phục, trong quan niệm thẩm mỹ, nhận thức về lý tưởng, về “thần tượng”... Các em học nhiều điều mà không sáng tạo, không Việt hóa. Sự lai tạp từ bên ngoài đã lấn át từ ngôn ngữ thông dụng tới văn bản mang tính pháp quy; từ những tác phẩm nghệ thuật trên truyền hình đến những tờ rơi quảng cáo... Sự lai tạp đó ngày càng lan rộng, cuốn hút mạnh mẽ giới trẻ. Tại sao vậy? Một phần vì họ không được trang bị những kiến thức, những hiểu biết cần thiết khi còn trên ghế nhà trường về những chuẩn mực tối thiểu trong cuộc sống, những thuần phong mỹ tục dân tộc; những sự kiện, những nhân vật lịch sử... tượng trưng cho tinh hoa hồn Việt, bản chất Việt. Có người chất vấn lại, sách giáo khoa của chúng ta vẫn đầy ắp những hình ảnh như Trần Quốc Toản căm thù giặc mà bóp nát quả cam lúc nào không biết; Mạc Đĩnh Chi với câu đối Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô... Thế nhưng cách dạy trong nhà trường khô cứng, dạy chay, học chay, dạy gạo, học gạo để lấy điểm một cách “trường kỳ’’ như lâu nay thì không thể có một lớp trẻ am hiểu và tự hào đúng nghĩa về văn hóa, lịch sử dân tộc. Chúng ta không thiếu những sự kiện vĩ đại, những con người kiệt xuất. Thiếu chăng là hình tượng nghệ thuật về họ, là cách dạy thế hệ trẻ về những giá trị tinh thần của những hình tượng đó.

Cho đến nay thế hệ trẻ của chúng ta vẫn biết rất ít về con người, cuộc sống truyền thống và sự quả cảm, hy sinh của cha ông ngoài những câu chuyện truyền miệng, những văn bản khô cứng... mà thiếu cách truyền đạt hiệu quả, có sức cuốn hút. Dù rất mong mỏi, dù đủ khả năng tài chính, phương tiện cần thiết, nhưng ngày nay chúng ta khó dựng lại được những sự kiện lớn, những hình tượng anh hùng dân tộc trong quá khứ. Lịch sử Việt Nam suốt chiều dài mấy ngàn năm hào hùng và đặc biệt lịch sử thế kỷ XX đã làm thế giới kinh ngạc và thán phục, nhưng thử hỏi chúng ta đã để lại trong văn học, nghệ thuật những tác phẩm xứng tầm chưa ? Thực tế là không nhiều để con cháu những thế kỷ sau, có thể dựng lại chính xác lịch sử thế kỷ XX của đất nước trong các tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu... Chúng ta đừng để xảy ra thêm một lần tình trạng bộ phim lịch sử tốn rất nhiều tiền của, công sức mà vẫn không thể trình chiếu rộng rãi cho công chúng vì một lý do đơn giản: Hình ảnh nhân vật chính - Lý Công Uẩn, người sáng lập Vương triều Lý tập quyền đầu tiên của Đại Việt độc lập và kinh thành Thăng Long, trông chẳng khác gì Triệu Tử Long trong tiểu thuyết Tam quốc chí của văn học Trung Quốc?

Tại sao một cuốn tiểu thuyết đầu tay của một cậu bé mới 10 tuổi lại viết về những vùng đất, những con người, sự việc xa lạ với xã hội chúng ta, nhưng được thể hiện sống động đến vậy? Liệu có phải xu hướng, trào lưu ngoại lai đang từ chỗ ngụ cư trở thành thường trú trong tư duy của thế hệ trẻ bất chấp những nỗ lực giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc? Có phải những nỗ lực ấy, dù rầm rộ và tiến hành thường xuyên, nhưng không mang lại hiệu quả mong muốn vì chủ yếu chỉ là những lời kêu gọi, hô hào mà thiếu tính khả thi, thiếu hiện thực hóa trong các tác phẩm nghệ thuật, trong những hoạt động văn hóa truyền thống; trong nhà trường và trong hoạt động của các tổ chức xã hội?

Phải thẳng thắn mà khẳng định rằng, phương pháp giáo dục trong nhà trường phổ thông hiện nay rất ít gắn với thực tế; giới văn nhân nước nhà đang lúng túng, bị động, chưa tìm được lối ra trong sáng tạo hình tượng nghệ thuật. Và ngay cả truyền thông đang có sự lạm dụng quá mức sức mạnh văn hóa ngoại lai, đang cố “Việt hóa” thô thiển theo kịch bản nhiều tác phẩm nước ngoài (truyện tranh, phim truyền hình, sách kiến thức...). Tình trạng đó đang góp phần tạo nên những hiểu biết lệch lạc về thế giới thực bên ngoài, những nhận thức không đúng về kho tàng văn hóa dân tộc.

Đề tài cuốn tiểu thuyết của cậu bé Nguyễn Bình dường như dựa theo một kịch bản phim thuần túy Hollywood hoặc một truyện tranh dịch của Nhật Bản. Tại sao tác giả nhỏ tuổi lại viết về câu chuyện xảy ra ở Mỹ, chứ không phải ở Việt Nam, nơi cậu hiểu biết nhiều hơn về mọi thứ?... Câu trả lời rất đơn giản - đây là một câu chuyện khoa học viễn tưởng nên cần rất nhiều kiến thức về tự nhiên, xã hội, đời sống của nhiều dân tộc mà những thứ đó cậu có thể tìm thấy ở đâu? Chắc chắn là trên mạng. Trên đó, kiến thức, thông tin về Việt Nam không nhiều, không đầy đủ, thậm chí không chính xác để dẫn dắt câu chuyện. Và còn nữa, trình chiếu trên truyền hình suốt 24/24 giờ phần nhiều là những tác phẩm bom tấn của Mỹ, dã sử Trung Quốc, diễm tình Hàn Quốc. Phim của ta không phải ít, nhưng nội dung nhiều lúc chẳng thể rõ tác giả dựa trên thực tế xã hội của nước nào, thời kỳ nào, nghệ thuật thể hiện thì không thể chấp nhận nổi.

Dân gian hiện đại có một câu thế này: “Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không biết thì tra... “Google”. Chỉ là một câu bông đùa nhưng cũng có một phần sự thật cay đắng, đau xót!

Buồn vì trong tiểu thuyết đầu tay của cậu bé 10 tuổi người Việt Nam không một chút hơi hướng Việt, dù chỉ một nhân vật gốc Việt. Sẽ có người nói rằng, bây giờ có khái niệm công dân toàn cầu thì việc một cậu bé người Việt viết về chuyện xảy ra ở Mỹ có gì lạ đâu. Đúng là không có gì lạ, nhưng dù là công dân toàn cầu thì việc đầu tiên, chính yếu của con người là đều phải có nền, có móng văn hóa của dân tộc mình.

Trẻ em rất cần hiểu biết về thế giới, như vậy rất đáng mừng. Vậy còn đất nước mình thì sao? Hãy đọc những gì trẻ em của chúng ta biết về lịch sử, văn hóa nước nhà: “Mùa đông cánh đồng làng em phủ đầy tuyết trắng xóa. Xe ngựa chạy leng keng rộn rã khắp đồng” (tả cánh đồng làng); “Nhà em không nuôi lợn nên em phải sang xem nhờ lợn nhà bạn Dũng để tả nhưng mẹ bạn Dũng không cho vì nó đang bị làm thịt để bán. Em rất thương con lợn nhà bạn Dũng và em thấy ghét mẹ bạn Dũng. Từ nay em sẽ không ăn thịt lợn mẹ bạn Dũng bán nữa” (tả con lợn nhà em); Trong một cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, một thí sinh trả lời ngày 20-3-1975 là ngày giải phóng tỉnh Nghệ An; trong một cuộc thi khác cả 4 thí sinh và cả 4 đầu cầu truyền hình trực tiếp đều không ai biết anh hùng đánh xe tăng trên đường 6 trong kháng chiến chống Pháp là ai !

Sách giáo khoa năm nào cũng in lại, cũng sửa đổi; giáo dục thường xuyên được... cải cách mà những lỗi, những cái sai cơ bản, những đòi hỏi, yêu cầu rất xa thực tế vẫn cứ được giảng dạy. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền hình, cách phổ cập thông tin, giáo dục càng ẩu hơn, cứ bê y nguyên của nước ngoài, từ nhạc và hình nền. Cổ vũ thêm cho xu hướng sùng ngoại là những trò chơi truyền hình, là vô số những cuộc thi trên truyền hình và nhiều thứ khác không một chút sắc thái Việt do mua kịch bản của nước ngoài. Đó là hòa nhập hay hòa tan?

Người Việt mình có một nếp nghĩ rất đáng buồn trong giao lưu, học hỏi văn hóa. Hễ yêu thì cái gì cũng coi là tốt, là nhất: Yêu nhau yêu cả đường đi/Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng; Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ... Dù bây giờ không còn ấu trĩ như vậy nữa, nhưng nếp nghĩ “đơn cực” yêu là tốt đủ đường vẫn tồn tại.

Nhưng cơ bản là truyền thống văn hóa của người Việt rất đáng trọng: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Ngay cả những cuộc thi cao nhất của triều đình dăm ba năm mới tổ chức một lần nhưng không phải lần nào cũng có trạng nguyên. Truyền thống đó đang bị mai một, phá vỡ bởi chủ nghĩa thành tích ăn sâu vào mọi sinh hoạt xã hội ?

Một thời, do hoàn cảnh, xã hội cần hàng hóa “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” mà không tính đến chất lượng nên càng đẩy chất lượng sản phẩm xuống dốc. Dường như cái bệnh đó ngày càng lan sang giáo dục, nghệ thuật... Giờ đây chẳng ai dám tin vào cái gọi là “chất lượng cao” - từ mớ rau tới bằng tiến sĩ; từ viên thuốc đau bụng tới giải Cánh diều vàng... Và thế là người ta đi tìm an ủi trong hàng ngoại, bởi tin chúng có đầy đủ thông tin cần thiết về xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng...

Tác giả trẻ Nguyễn Bình là một hiện tượng trong văn học. Và cũng là một “cú sốc” xã hội - nó buộc chúng ta phải nhìn nhận lại chiến lược giáo dục, chính sách quản lý và đầu tư cho văn hóa, cho sáng tạo, phát huy tài năng của thế hệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cú sốc” từ một hiện tượng văn học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.