Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cụ ông 100 tuổi trọn tình với Hà Nội

Hạ - Hân| 11/09/2010 09:28

(HNMO)- Trong những ngày này, hàng triệu trái tim đang háo hức hướng về Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi. Có một người con của Hà Nội đã sống trên mảnh đất này trọn 100 năm và không lúc nào thôi yêu, thôi tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến.


Ông thường xuyên đọc, sưu tầm những tài liệu lịch sử về Thăng Long - Hà Nội. Như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, ông hào hứng tham gia Cuộc thi tìm hiểu "Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng". Trong cái chung về niềm tự hào với Hà Nội thân yêu của người dân Thủ đô, luôn có những nét riêng để thể hiện tình yêu với mảnh đất hào hoa thật giản dị và  đáng trân trọng.


Chân dung cụ ông 100 tuổi, người tham gia cuộc thi tìm hiểu "Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng" cao tuổi nhất

Dự thi vì tự hào về Hà Nội ngàn năm

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Vũ Duy Bính, người cao tuổi nhất đã tham gia Cuộc thi tìm hiểu "Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng" do TƯ Đoàn TNCS HCM phối hợp với Báo Hànộimới tổ chức không khó khăn là mấy. Theo những thông tin trong bài dự thi, cụ Bính năm nay vừa tròn 100 tuổi (cụ sinh năm 1910) nhà ở phường Quảng An. Con đường vào Phủ Tây Hồ, lối vào nhà cụ Bính man mác gió Hồ Tây thổi, làm dịu hẳn cái nóng cuối hè hầm hập. Người bán nước chè ở cửa Phủ nhiệt tình chỉ cho tôi nhà cụ Bính, có vẻ như ở đây cụ là người rất nổi tiếng.

Ngôi nhà xây theo lối biệt thự kiểu cũ trông ra mặt hồ Tây nằm im lìm dưới những tán cây liễu mát rượi. Người ra mở cửa cho tôi là một cụ già dáng người nhỏ bé nhưng khá nhanh nhẹn. Ông vồn vã mời tôi vào nhà. Như đọc được sự thắc mắc của khách, ông nhanh chóng giới thiệu: "Tôi là con cả của cụ Bính, mời anh ngồi để tôi vào gọi bố tôi!".

Phải mất chừng một tuần trà, chờ đợi trong háo hức chúng tôi mới được gặp ông cụ 100 tuổi ấy. Trong bộ comple phẳng phiu, trên ngực áo gắn 2 tấm huân chương Độc lập Hạng Nhì và Hạng Ba, cùng 1 tấm Huân chương 60 năm tuổi Đảng sáng bóng, lấp lánh, cụ bước đi thật đĩnh đạc và khoan thai.

Không cần dùng đến gậy, đôi mắt cụ lộ rõ vẻ tinh anh và luôn nhìn thẳng vào khách. Cụ cất giọng sang sảng mời ngồi khiến khách giật nảy mình. Chắc hẳn nhiều người đều có cảm giác như chúng tôi mới đầu gặp cụ, không thể tin vào mắt và tai mình khi đang được tiếp chuyện một cụ già đã ở tuổi bách niên mà vẫn còn tráng kiện và minh mẫn đến thế.

Biết chúng tôi tới gặp vì lý do gì, cụ cất tiếng cười sang sảng thoải mái. Dù hàm răng phần nhiều đã phải làm lại nhưng giọng cụ vẫn rành rọt: "Lý do mà tôi tham dự là vì tôi phấn khởi và tự hào về Thủ đô Hà Nội của mình đã được 1000 năm. Bây giờ cả thế giới đã chú ý đến Hà Nội của mình. Tôi lại có nhiều thì giờ để sưu tập tài liệu, nay đem ra dự thi, phần thì để luyện trí nhớ của mình, còn nữa là để tự hào về Hà Nội một ngàn năm…"

Như để minh chứng cho lời mình nói, cụ dẫn tôi vào phòng làm việc của mình. Căn phòng hơn chục mét vuông, ngoài chiếc giường đơn ở góc nhà, còn lại trên bàn làm việc, giá sách, dưới đất chất đầy những tài liệu, sách báo. Cụ Bính bảo tôi, từ ngày về hưu cách đây mấy chục năm, thú vui lớn nhất của cụ đó là đọc sách báo và sưu tầm tài liệu, đặc biệt những tài liệu về lịch sử Việt Nam và gần đây là Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Chỉ cho tôi những tập sách đóng gáy cứng để ngay ngắn trên bàn làm việc, cụ Bính vừa cười vừa giới thiệu, đây là những tài liệu tôi cắt hoặc photo lại từ các báo về Thăng Long - Hà Nội. Tôi đọc nhiều lắm, mỗi ngày tôi đọc mấy chục tờ báo chưa kể sách đấy. Cầm tờ báo Hà Nội mới trên tay cụ đọc to dòng tít bài ngoài trang 1: "Khởi tố, bắt tạm giam nguyên chủ tịch tập đoàn Vinasin". Lại một lần nữa cụ ông 100 tuổi này khiến tôi ngạc nhiên vô cùng khi cụ đọc báo mà không cần dùng kính.

"Chịu khó tìm hiểu lịch sử thì sẽ nên người"

Người con cả của cụ, ông Vũ Duy Đính cho biết, hàng ngày, ông và các con cháu đều mua sách báo về để cụ đọc. Ngày trước ông cũng làm trong ngành giáo dục, có thời vừa làm hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý giáo dục (bây giờ là Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục) vừa kiêm nhiệm giám đốc thư viện của ngành giáo dục, cho nên ông Đính có điều kiện mượn rất nhiều sách báo, tài liệu về cho cha đọc và nghiên cứu.

Không những đam mê sách báo, tài liệu cụ Bính còn truyền được niềm đam mê ấy cho các con cháu của mình, từ các cháu đến mấy đứa chắt chỉ học lớp 7, lới 8 cũng rất ham thích đọc sách và có lẽ vì vậy mà các cháu, chắt của cụ đều học rất giỏi. Ông Đính cũng cho biết, cụ thân sinh ra ông từ xưa đến nay chưa bao giờ phải dùng kính lão để đọc sách báo.

Rất tự hào về cha mình, ông Đính tâm sự: "Bất kỳ cuộc thi nào cụ cũng đều hứng thú tham gia. Tại cuộc thi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội này, cụ còn động viên em thứ tư nguyên là Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa ở với con ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng thi, và rủ cháu ngoại là giảng viên trường Đại học Mỏ Địa chất tham gia. Bài cụ viết ra, mang đi phô tô, đưa cho mọi người đọc góp ý, sau đó chữa lại thật cẩn thận rồi tiếp tục phô tô lại, đóng bìa cứng mang đi dự thi".

Đồng tình với lời người con trai trưởng, cụ Bính bảo: "Tôi tham gia nhiều cuộc thi lắm, mà cuộc nào cũng được giải thưởng cả. Từ nhiều năm trước, tôi đã sưu tầm rất nhiều tài liệu về Thăng Long - Hà Nội và sắp tới Đại lễ tôi phải thể hiện tấm lòng của tôi với Thủ đô của chúng ta. Bài thi của tôi tập trung vào nội dung "Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng", do đó tôi nêu những đặc điểm khiến Hà Nội của mình văn hiến. Thứ hai nữa là đưa ra những tài liệu để chứng tỏ thủ đô Hà Nội của mình anh hùng. Vì thế trong bài thi đó tôi có nêu lên Thủ đô Hà Nội của mình 7 lần giải phóng tính từ thời Lý đến giờ...".

Lan tỏa một niềm tự hào chung về Thủ đô

Cụ Bính tâm sự thêm, cụ tham gia những cuộc thi tìm hiểu như thế này, thực ra không phải vì giải thưởng, mà vì để làm gương cho mấy đứa chắt đang tuổi đi học - "Giờ có nhiều thứ khiến chúng sao nhãng việc học lắm, chúng mà chịu khó đọc, chịu khó tìm hiểu lịch sử thì sẽ nên người". Trong bài thi “Tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng” cụ Bính đã dày công cắt, dán sưu tập từ báo Hànộimới và viết tay 12 câu hỏi của ban tổ chức trên 2 cuốn sổ dày. Chữ cụ đẹp thanh thoát không run run do ảnh hưởng của tuổi tác.

Những lời cụ viết ra từ trong đáy lòng chan chứa tình yêu với mảnh đất kinh kỳ nghìn năm, ai đọc qua rồi cũng thấu hiểu bởi sự giản dị, chân thành. Cụ đã viết thế này trong lời tựa đề cho bài thi: “Năm nay 2010 tôi tròn 100 tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng. Cả nước đang sôi nổi hướng về Đại lễ lịch sử ngày 10/10/2010. Thật kỳ lạ. Ba con số 10 tuyệt đẹp! Tự hào về Thủ đô Thăng Long - Hà Nội 1.000 tuổi, tôi cố gắng dự thi cuộc thi “Tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng".

Chỉ trả lời 12 câu hỏi trắc nghiệm và làm bài bình luận, cảm xúc về bài ca “Người Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Đình Thi, tôi thấy khô khan nên tôi mạn phép thêm lời chú giải, ảnh minh họa và sau cùng đóng thành tập cho đẹp mắt. Tôi cùng nhà thơ Trịnh Minh Hoài tự hào và vui mừng về Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 tuổi, được góp một phần rất nhỏ bé vào Đại lễ lịch sử năm nay”

Hiện cụ Bính đang giữ "kỷ lục" người dự thi cao tuổi nhất. Còn về nội dung, chất lượng các bài dự thi đang được các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong Ban giám khảo cẩn trọng xem xét. Tại Hội thu bài thi vừa được tổ chức ngày 10/9, Ông Tô Quang Phán, TBT Báo Hànộimới, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi vui mừng thông báo, sau hơn 10 tháng phát động và triển khai, Cuộc thi đã thu hút  trên 3,2 bài dự thi của đoàn viên, thanh thiếu niên và các tầng lớp nhân dân. Các tác phẩm dự thi đã được trình bày với hình thức rất phong phú, đa dạng, thể hiện sự sáng tạo công phu và tâm huyết của tác giả. Nhiều tác phẩm được chọn lọc để trưng bày là những bài thi hay, độc đáo, ý nghĩa và hấp dẫn. Người xem đã dành sự thán phục khi được chiêm ngưỡng bài dự thi dày nhất, hơn 1000 trang của tác giả Nguyễn Thị Thuỷ, Chi đoàn Đài truyền thanh Thị xã Từ Sơn và tác giả Chu Thị Hồng Ánh, Giáo viên trường THCS Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Trên tổng số hơn 3 triệu bài dự thi ấy, mỗi bài thi mỗi vẻ, nhưng trội lên hơn cả, gây ấn tượng hơn cả là bài dự thi in trên hình Rồng cao 2,2m, dài 28m của Đoàn Thanh niên Công ty Cavico Việt Nam, bài dự thi của ông Steven Tait người Canada viết trên 5 chiếc nón lá,bài dự thi in trên khổ A0 của Đoàn cơ sở Trung đoàn BB38, Quân khu V, bài dự thi được trình bày bằng vật liệu mika, giấy dó với kiểu chữ thư pháp của Cung Thiếu nhi Hà Nội...

Có lẽ, điều đã và đang làm nên một Hà Nội ngàn năm văn hiến, chính ở những tình yêu cháy bỏng như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cụ ông 100 tuổi trọn tình với Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.