(HNM) -
Ngay sau tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 19-6 rằng sẽ điều chỉnh tỷ giá đồng NDT nhằm tăng tính linh hoạt của đồng tiền này; đồng thời giám sát thả nổi đồng bạc hồng trong phạm vi đã được công bố đối với thị trường ngoại hối liên ngân hàng, cả Washington, Brussels và nhiều nền kinh tế khác đã đồng loạt lên tiếng hoan nghênh quyết định từng được chờ đợi quá lâu từ Bắc Kinh. Động thái này cho thấy, việc nới lỏng tỷ giá đồng NDT không chỉ đã vượt qua ranh giới của khái niệm tài chính thông thường, mà còn giúp cởi bỏ một nút thắt không dễ tháo gỡ trong mối quan hệ đan xen giữa hợp tác và kiềm chế của các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Hiện tại, cho dù Trung Quốc chưa đề cập rõ mức độ cũng như lộ trình cải thiện giá trị đồng NDT so với những đồng tiền mạnh khác, nhưng đây vẫn được xem là một thông tin tốt lành đối với quá trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Việc đón nhận một cách tích cực từ các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc trước sự kiện này cũng là một dấu hiệu khẳng định không hề có sự nghi ngờ về tác động mang tính bước ngoặt của nó đối với tiến trình ổn định và tái cân bằng cán cân thương mại thế giới khi Trung Quốc đang ngày càng lộ diện như một đối thủ kinh tế đáng gờm của bất kỳ một cường quốc kinh tế nào. Trong bối cảnh như vậy, tiềm lực của Trung Quốc sẽ được cộng hưởng bởi việc duy trì một đồng NDT "yếu" thực sự được Washington cùng Brussels nhìn nhận như một nguy cơ đe dọa vị thế của họ không chỉ tại châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân sâu xa ấy cũng là câu trả lời không khó nhận ra cho việc Nhà Trắng luôn rốt ráo dẫn đầu các nỗ lực khiến Trung Quốc nâng giá đồng nội tệ.
Tuy nhiên, một câu hỏi đang được đặt ra là tại sao Trung Quốc lại đưa ra quyết định về đồng NDT được cho là sẽ "hao tài tốn của" vào thời điểm này khiến hàng hóa Trung Quốc chắc chắn sẽ bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, dẫn tới giảm thặng dư thương mại, nhân tố quan trọng tạo ra tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc bấy lâu nay? Đặc biệt hơn nữa là Trung Quốc từng kiên trì bảo vệ một đồng NDT "yếu" bất chấp sức ép gay gắt của Mỹ và phương Tây trong thời gian qua. Đã có không ít giải thích của giới tài chính quốc tế về động thái này của Trung Quốc. Nhưng, có vẻ thuyết phục hơn cả khi có luồng dư luận rằng, mặc dù kinh tế thế giới đang ở trong một thời điểm cực kỳ nhạy cảm - phục hồi sau suy thoái- nhưng đây lại là thời cơ tốt nhất để Trung Quốc hình thành tỷ giá mới cho đồng NDT. Hiện tại, khoảng cách giữa tỷ giá đồng NDT với tỷ giá cân bằng của thị trường đã rất gần, do đó, việc thúc đẩy quy trình này sẽ không gây sốc cho nền kinh tế Trung Quốc. Đồng thời, việc thả nổi có kiểm soát đồng NDT sẽ giải thoát Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khỏi sức ép duy trì sự ổn định tỷ giá để chuyên tâm vào hoạch định và thực thi các chính sách tiền tệ, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của một nền kinh tế mới nổi.
Song, bên cạnh lý do cực kỳ chuyên môn đó, dư luận cũng không thể không chú ý đến sự kiện hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp khai mạc tại Toronto (Canada). Có nhiều lý do để tin rằng, với quyết định về tỷ giá đồng NDT, lãnh đạo Trung Quốc sẽ bước vào hội nghị với vị thế của một quốc gia biết hợp tác thay vì vẫn là tâm điểm của những câu hỏi cũ từ phương Tây về tỷ giá đồng nội tệ rẻ. Trung Quốc cũng đã từng lên tiếng cảnh báo không nên coi chính sách tiền tệ của nước này là nội dung chính của G-20.
Cuộc chiến "tỷ giá" dai dẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu vừa có được một khoảng lặng đầu tiên. Song cuộc cọ xát tiền tệ được xem là lớn nhất trong lịch sử tỷ giá hiện đại có thực sự hạ màn hay không vẫn chưa thể được đoán định chính xác khi quỹ đạo tỷ giá đồng NDT vẫn chưa định hình rõ ràng. Thế nhưng, vì lợi ích chung, cú "nhả phanh" đồng NDT được trông đợi bấy lâu từ Trung Quốc cũng đủ khiến các đối tác thở phào nhẹ nhõm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.