Sau vài ngày mưa mà đỉnh điểm là trận mưa như trút ngày 5.7, nhiều nơi ở những đô thị ven biển tại TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh)... ngập sâu trong biển nước. Hai người đã chết vì mưa lũ ngay tại trung tâm TP. Hạ Long. Thế nhưng, lo lắng nhất là các hộ dân dưới chân các bãi thải của các Cty than luôn phải
Cứ mưa là ngập
Trận mưa tại Quảng Ninh đã gây ngập, lụt tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, nghiêm trọng nhất là ở thành phố Cẩm Phả và Hạ Long. Mưa to ngày 5.7, nhiều khu phố của Cẩm Phả chìm trong nước cả mét. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đã có mặt tại một số điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao ở Cẩm Phả để chỉ đạo, di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Người dân tổ chức cứu hộ nạn nhân Trần Văn Thanh (53 tuổi, trú tại tổ 10, khu 1, phường Hồng Gai, TP. Hạ Long) do bị sập gian bếp khi tuyến kè dân sinh đổ xuống ngày 5.7.2016. |
Tại thành phố du lịch ven biển Hạ Long, nhiều phường ghi nhận thiệt hại do lở đất đá, phá hủy các công trình dân cư, 2 người chết vì mưa lũ ngày 5.7 gồm Trần Văn Thanh (53 tuổi, trú tại tổ 10, khu 1, P. Hồng Gai, TP. Hạ Long) do bị sập gian bếp khi tuyến kè dân sinh đổ xuống; tiếp đến là bà Hoàng Thị Khà (56 tuổi) bị nước cuốn trôi xuống cống thuộc khu 3, phường Giếng Đáy.
Hồi tháng 7 năm ngoái, trận mưa lịch sử tại Hạ Long đã khiến 14 người chết do lở đất, nước cuốn. Chưa kể, hàng chục điểm ngập úng cục bộ do không tiêu thoát nước kịp. Tại đoạn đường du lịch Bãi Cháy (cách biển hơn 100 mét), nước đã dâng cao tới 0,5m làm tê liệt giao thông trong nhiều giờ.
Theo người dân ở khu vực này, tình trạng úng ngập sau mưa hầu hết do sự khai thác quá mức và hệ lụy gây ra từ các dự án xây dựng trên các triền đồi đã gây ra những sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đến tính mạng chính người dân. Một lý do khác, hạ tầng thoát nước (như ruột gà) sau vài chục năm đã không thể đảm bảo an toàn khi đô thị phát triển nhanh chóng như Hạ Long.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng ngày 8.8.2015, sau khi cùng đoàn công tác của Bộ Xây dựng đi thực địa hiện trường, kiểm tra các điểm sạt lở, ngập úng tại Quảng Ninh. Kiểm tra thực tế tại bãi thải đất đá của TKV và các đô thị Quảng Ninh, đoàn công tác đánh giá: Hạ tầng kỹ thuật công trình, nhất là hệ thống thoát nước từ đất liền ra biển chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa phù hợp với địa hình, địa chất khu vực. |
Hiểm họa từ bãi thải
Trận mưa lịch sử ngày 26.7.2015 khiến bãi thải khai thác than Đông Cao Sơn (TP.Cẩm Phả) bị sạt lở làm hơn 100 ngôi nhà bị chôn vùi trong bùn nước, gần 1.000 người dân tại phường Mông Dương phải di chuyển khẩn cấp nhằm bảo toàn tính mạng trong nhiều ngày. Sự cố bãi thải bị xói lở, phá vỡ các tầng thải và đê chắn, khiến cho hàng nghìn mét khối đất đá, xỉ than trượt xuống khu dân cư. Không những vậy, bùn đất còn lấp đầy hầm mỏ của Cty than Mông Dương làm hoạt động sản xuất bị tê liệt trong nhiều tháng, mất 500 tỉ đồng để khôi phục. Nhưng đây không phải là sự cố hy hữu. Trước đó, năm 2006, hàng trăm tấn đất đá từ bãi thải của Cty Than Cọc Sáu cũng làm vỡ đập chắn, chôn vùi nhiều ngôi nhà và tài sản ở phường Cửa Ông, TP.Cẩm Phả.
Việc người dân sống dưới chân các bãi đổ thải cao hàng trăm mét thường xuyên phải chạy lũ bùn, hoặc chứng kiến bùn đất ngập tràn trong nhà, ngoài sân là chuyện không hiếm ở đất mỏ mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Cao trình của các bãi thải từ Hạ Long tới Cẩm Phả ngày tăng dần, trong đó nhiều bãi thải đã đạt tới độ cao hết mức cho phép là dương 300 mét. Tại Hạ Long, từ trên cầu Bãi Cháy nhìn sang phía Hòn Gai, những bãi thải của các Cty than Hà Tu, Núi Béo, Hà Lầm, Hòn Gai đang vây quanh thành phố; trong khi tại TP. Cẩm Phả, những bãi thải của Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu… lừng lững giữa khu trung tâm. Không chỉ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường cho tính mạng người dân, những bãi thải này đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Sau trận mưa lịch sử tháng 7.2015, Cẩm Phả cùng ngành than đã tập trung ứng vốn cho 11 công trình cấp bách để xây những tuyến kè chống sạt lở tại nhiều điểm trên các phường nằm dưới chân núi bãi thải trong gần 1 năm qua. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp che chắn nhất thời, trong khi những ẩn họa từ sự cố tràn đất đá từ các núi đổ thải cao hàng trăm mét, nếu xảy ra sẽ hết sức thảm khốc. Trong khi đó, đề án di chuyển hàng nghìn hộ dân sinh sống dưới chân bãi thải tại Cẩm Phả và Hạ Long vẫn giậm chân tại chỗ, do ngành than dường như không muốn lĩnh những trách nhiệm do hoạt động khai thác tài nguyên quá mức của chính họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.