Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú hích cho thỏa thuận hạt nhân Iran

Quỳnh Dương| 08/03/2022 06:45

(HNM) - Trong một động thái tích cực, Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa đạt được sự thống nhất về lộ trình nhằm tháo gỡ những vướng mắc nổi cộm hiện nay liên quan đến chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này đến cuối tháng 6 tới. Đây là một bước tiến quan trọng, là cú hích tạo đòn bẩy giúp các bên liên quan có thể sớm hồi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là "Thỏa thuận hạt nhân Iran".

Lãnh đạo Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Mohammad Eslami họp báo cùng Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi tại Teheran (Iran), ngày 5-3.

Thông báo về kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi và Chủ tịch Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Mohammed Eslami cho biết, hai bên đã nhất trí về việc Tehran sẽ gửi tới IAEA những tài liệu cần thiết để giải đáp những nghi vấn còn tồn đọng giữa hai bên về hồ sơ hạt nhân, chậm nhất là vào ngày 21-5. Sau khi IAEA nhận được văn bản và các thanh tra xem xét bằng chứng, ông R.Grossi sẽ gửi một báo cáo kèm theo kết luận của mình cho Hội đồng Thống đốc IAEA vào cuối tháng 6-2022. Điều này chứng minh khoảng cách về quan điểm giữa hai bên đã dần được thu hẹp để cùng hướng tới việc tìm kiếm một nhận thức chung, mở đường cho những hợp tác sâu rộng hơn. Theo Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, nếu không tháo gỡ được những khúc mắc hiện nay, các bên có thể không cứu vãn được thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Sự thống nhất giữa IAEA và Iran đạt được vào lúc một số nguồn tin báo chí nước ngoài tiết lộ, đến thời điểm hiện tại Tehran đã sản xuất được 33,2kg urani làm giàu ở mức 60%. Theo một trong những điều khoản của JCPOA, Iran đã cam kết giới hạn khả năng làm giàu urani ở mức 3,67% và giới hạn kho dự trữ ở mức 202,8kg đến năm 2031. Tuy nhiên, Iran dần từ bỏ các giới hạn đó sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA năm 2018. Bên cạnh đó, thời gian qua, tiến trình đàm phán cũng chậm lại do một số thành viên của JCPOA gồm: Anh, Pháp và Đức yêu cầu làm rõ thông tin về việc một số dấu vết urani được tìm thấy ở các địa điểm hạt nhân cũ nhưng chưa được khai báo ở Iran. Theo Tổng Giám đốc IAEA R.Grossi, tài liệu của Tehran sẽ giúp các nhà điều tra trả lời câu hỏi về nguồn gốc của các hạt urani nói trên. Mặc dù IAEA không phải là một bên chính thức của JCPOA, nhưng các thanh sát viên của họ bảo đảm rằng, thỏa thuận đang được tuân thủ nghiêm túc thông qua việc xác minh số lượng vật liệu hạt nhân ở Iran. Kết quả điều tra sẽ phần nào giúp khôi phục lòng tin, mở đường cho Mỹ quay trở lại thỏa thuận.

Phản ứng trước những tín hiệu tích cực từ phía Iran, Trưởng phái đoàn Nga tham gia đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Mikhail Ulyanov lạc quan cho biết, có khả năng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận vào giữa tuần tới. Đặc phái viên Pháp về vấn đề hạt nhân Iran, Philippe Errera cũng nhận định, cơ hội khôi phục JCPOA đang đến rất gần, đồng thời hy vọng, các bên sẽ nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Sau nhiều tuần đàm phán ở Vienna (Áo) với sự tham dự của đại diện Iran và nhóm P5 + 1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), hiện tại, Mỹ và Iran đã tiến sát tới điểm đồng thuận chung về khôi phục JCPOA. Về cơ bản, thỏa thuận sẽ bao gồm điều khoản dỡ bỏ hầu hết lệnh cấm vận quốc tế chống Tehran, đổi lại Iran sẽ tạm ngưng hoạt động hạt nhân. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn một số điểm bất đồng nổi cộm cần xử lý. Đó là việc Iran yêu cầu mở rộng diện dỡ trừng phạt nếu khôi phục JCPOA. Cụ thể, Tehran muốn Mỹ rút Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế; Mỹ cần bảo đảm sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa và một vài khúc mắc xung quanh mức độ thực hiện cam kết hạt nhân của Iran.

Theo các nhà bình luận, động thái các bên đưa ra thời gian qua đã thể hiện thiện chí để hướng tới lợi ích chung là tìm kiếm sự ổn định cho khu vực. Điều này cho thấy, thời điểm JCPOA được khôi phục đã cận kề.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cú hích cho thỏa thuận hạt nhân Iran

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.