(HNM) -
Sau Đạo luật cải cách y tế, việc văn kiện lịch sử này vượt qua những cửa ải khó khăn tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ để thành luật là chiến thắng đối nội quan trọng thứ hai của Tổng thống B.Obama trong năm nay. Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã mang lại cho nước Mỹ bài học thấm thía về sự cần thiết phải thiết lập một cơ chế giúp nền kinh tế số 1 hành tinh tránh được những tổn thương sau sự phá sản của các thể chế tài chính lớn, nguyên nhân đẩy kinh tế Mỹ và thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng tồi tệ năm 2008.
Với đạo luật dài 2.300 trang, những khoản tiền thưởng mà các đại gia phố Wall tung ra cho các nhân viên cao cấp, bất chấp kinh doanh sa sút sẽ trở thành quá khứ. Thông tin 2 tỷ USD, trong đó có đến 1,6 tỷ USD được các ông lớn như Goldman Sachs, JP Morgan Chase, AIG, Citigroup… đến những ngân hàng nhỏ như Boston Private Financial Holdings... thưởng bất hợp pháp trong cuộc suy thoái vừa được công bố lại khiến người ta giật mình. Thêm vào đó, thói quen ban phát những khoản thưởng kếch xù tại phố Wall được báo chí phanh phui đã gióng lên hồi chuông báo động để công luận Mỹ thấy rằng, đã đến lúc thực hiện cuộc "đại phẫu" hệ thống tài chính. Do vậy, kế hoạch điều chỉnh sâu rộng, triệt để và cơ bản nhất các quy định tài chính Mỹ kể từ sau cuộc đại suy thoái trong những năm 30 của thế kỷ trước vừa trở thành hiện thực, được kỳ vọng sẽ loại bỏ những nguy cơ tưởng chừng đã nhấn chìm đầu tàu kinh tế thế giới.
Đúng như tên gọi, đạo luật vừa được Tổng thống Hòa Kỳ đặt bút ký không chỉ nhằm vào các định chế tại phố Wall với sự thao túng thị trường dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 2 năm trước đây, mà còn thiết lập một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng qua các quy định nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn những khoản đầu tư rủi ro. Việc các khoản tiền gửi được đặt dưới sự giám sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các kiến trúc sư của đạo luật mong muốn khôi phục niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng, xóa đi ký ức trắng tay sau hiệu ứng sụp đổ của các nhà băng, hứa hẹn sẽ tạo thêm đòn bẩy cho nỗ lực huy động nguồn tín dụng cho quá trình hồi phục kinh tế. Ngoài ra, một cơ chế quản lý minh bạch hơn theo đạo luật mới sẽ hóa giải nghịch lý người đóng thuế phải giải cứu các tập đoàn tài chính khổng lồ chi tiêu vô lối. Đạo luật cũng giúp hạ nhiệt những phản ứng gay gắt từ dân chúng với các gói cứu trợ theo kiểu "quýt làm cam chịu" như đã từng diễn ra.
Đạo luật làm thay đổi bộ mặt ngành tài chính Mỹ ra đời là kết quả của hơn 1 năm tranh luận gay gắt kể từ khi ông B.Obama xác định đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt với người đứng đầu Nhà Trắng trong thời điểm hiện nay, khi tỷ lệ ủng hộ ông với khát vọng làm "thay đổi" đất nước đang xuống mức thấp nhất kể từ khi nắm quyền. Đây còn là một vũ khí giúp đảng Dân chủ gom thêm phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 tới. Tuy nhiên, cú siết chặt hoạt động của phố Wall vừa vận hành cũng đồng nghĩa với việc Nhà Trắng sẽ khó kiếm thêm đồng minh tại đây. Đã có không ít lời kêu ca rằng, bước quyết định ở phố Wall có thể đe dọa tính cạnh tranh và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Sự thiếu vắng của hầu hết các đại diện những ngân hàng lớn trong lễ ký ban hành đạo luật cho thấy giới chủ nhà băng chẳng mấy mặn mà với văn kiện bước ngoặt này. Những nhà tài trợ hào phóng đang có chiều hướng nghiêng về những chính trị gia Cộng hòa vốn phản đối mạnh mẽ kế hoạch cải cách trên.
Hơn lúc nào hết, giờ đây nước Mỹ đang cần một công cụ để nhận diện và giải quyết các nguy cơ đối với sự ổn định tài chính, đặc biệt là bong bóng tài sản, nhằm giúp ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng trong tương lai và họ đã tạo ra công cụ đó. Thời gian hoàn thiện đạo luật mới cho phố Wall có thể lên tới 2 năm và dư luận hy vọng hệ thống kinh tế Mỹ sẽ vận hành hiệu quả sau cú điểm huyệt này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.