Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú chuyển mình ngoạn mục của The Washington Post

Lâm Phương| 19/06/2023 22:55

(HNM) - Là một trong những tờ báo bán chạy và lâu đời nhất của nước Mỹ (số đầu tiên xuất bản ngày 6-12-1877), song The Washington Post (The Post) cũng có thời gian lâm vào khủng hoảng bởi sự ra đời của các thiết bị thông minh dẫn tới những thay đổi nhanh chóng của độc giả trong cách lựa chọn nền tảng tiếp cận thông tin. Từ chiến lược cải tổ mạnh mẽ gắn chặt với chuyển đổi số, The Washington Post đã lấy lại được hào quang của mình.

Tòa soạn The Washington Post trong một ca làm việc.

Thời điểm The Washington Post bắt đầu quá trình “lột xác” được ghi nhận vào năm 2013, khi doanh nhân Jeff Bezos - người sáng lập Công ty công nghệ đa quốc gia Amazon mua lại tờ báo với giá 250 triệu USD.

Trong lá thư gửi nhân viên tờ báo, Jeff Bezos khẳng định: “Những giá trị của The Washington Post không cần thay đổi. Trách nhiệm của tờ báo là phục vụ độc giả, chứ không phải vì lợi ích riêng của những người chủ. Chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi sự thật, bất kỳ nó dẫn đến nơi nào và chúng ta sẽ cố gắng làm việc để tránh những sai lầm”.

Jeff Bezos đã bắt tay vào thay đổi tờ báo bằng kinh nghiệm “chinh chiến” hàng chục năm trong ngành công nghệ. Để tăng sức mạnh nhân lực cho tham vọng của mình, ông chủ Amazon đã mời Fred Ryan, một cựu chiến binh am hiểu về kỹ thuật số về làm Giám đốc điều hành và Giám đốc xuất bản. Ngay sau khi gia nhập "The Post", Ryan đã làm việc với nhóm điều hành của mình, tái tạo mô hình hoạt động và kinh doanh linh hoạt hơn. Theo quan điểm của Ryan, trong giai đoạn hiện nay, nhiều độc giả lớn lên trong thế giới kỹ thuật số, vì vậy họ mong đợi công nghệ của các tờ báo không có độ trễ. Chìa khóa để hấp dẫn độc giả là hiểu họ đang dành thời gian vào đâu và đáp ứng nó bằng các trải nghiệm sản phẩm số phù hợp, hấp dẫn.

Dưới sự quản lý của tỷ phú công nghệ Jeff Bezos, sự điều hành của Giám đốc Fred Ryan, tòa soạn của The Washington Post đã được cơ cấu lại, bộ phận công nghệ thông tin được mở rộng gấp đôi, tuyển dụng các tài năng chất lượng cao để thực hiện nhiệm vụ cứu tờ báo, bằng cách ưu tiên phát triển sản phẩm số và thay đổi cơ bản cách xuất bản tin tức. Do đó, nhân sự đã tăng từ 580 người vào năm 2013 lên 1.010 người vào năm 2021. Đội ngũ nhân viên mới gồm nhiều nhà khoa học dữ liệu, đồ họa, các nhà thiết kế dữ liệu và kỹ sư phần mềm để hỗ trợ The Washington Post hình ảnh hóa dữ liệu nhằm truyền đạt các chủ đề phức tạp theo cách đơn giản và hiệu quả. Thực tế đã chứng minh, nhiều sản phẩm mới ra đời đã thu hút số lượt đọc khổng lồ, ví dụ như các mô hình bỏ phiếu phức tạp, những trò chơi giúp người đọc hiểu hơn về quy trình bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào năm 2022.

Sử dụng lực lượng lao động lớn hơn, được hiện đại hóa, The Washington Post đã mở rộng dung lượng tin tức của mình bằng cách thêm các kênh phổ biến nội dung mới. Để tận dụng mối quan tâm ngày càng tăng trong nước đối với các vấn đề đối ngoại và thu hút khán giả kỹ thuật số ở nước ngoài, The Washington Post đã đầu tư vào việc mở rộng nội dung mảng tin tức thế giới của mình bằng cách bổ sung nhân viên nước ngoài tại 26 địa điểm - đội ngũ phóng viên nước ngoài lớn nhất trong lịch sử "The Post". Để tiếp cận khách hàng mới, The Washington Post đã cung cấp ứng dụng của mình với các tính năng kể chuyện thực tế tăng cường, đầu tư vào kể chuyện bằng âm thanh và các sự kiện tin tức trực tiếp, xây dựng 3 trường quay để phát sóng các chương trình của The Washington Post trên các kênh như Cable News Network (CNN) và MSNBC cũng như sản xuất nội dung video gốc.

Từ một tờ báo bị lỗ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính 2008, The Washington Post có lãi từ năm 2016. Lượng truy cập hằng tháng tại Mỹ từ 20 triệu vào năm 2013 tăng lên 100 triệu vào năm 2018. Ông Marty Baron, người từng phụ trách phòng tin tức của The Washington Post chia sẻ, tỷ phú công nghệ đã thay đổi căn bản chiến lược của báo. Đó là từ một hãng tin tức tập trung chủ yếu vào khu vực của mình thành một tổ chức tin tức quốc gia, thậm chí quốc tế. Với hiểu biết tinh tế về hành vi tiêu dùng, Bezos đã giúp The Washington Post thắng lợi. Ông Baron không nghĩ tờ báo có thể thành công nếu thiếu Jeff Bezos. “Ông ấy cung cấp tiền đầu tư, cung cấp chiến lược, ý tưởng hay, ông ấy nhìn vào ngành công nghiệp với một cái nhìn tươi mới, khác biệt với phần lớn ông chủ hay nhà xuất bản nào khác tôi từng làm việc”.

Sau 10 năm, Jeff Bezos và Washington Post đã trở thành hai cái tên gắn liền với nhau trong một thành công vượt trội khi nhắc đến chuyển đổi số trong báo chí. Các đánh giá của Comscore Comscore - công ty phân tích và đo lường phương tiện truyền thông toàn cầu có trụ sở tại Mỹ - cho rằng, Bezos đã biết đầu tư trọng điểm vào trúng điểm rơi của công nghệ để làm một cuộc chuyển đổi ngoạn mục, đưa một tờ báo truyền thống đang bị đe dọa thành một cường quốc kỹ thuật số và là công ty sáng tạo hàng đầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cú chuyển mình ngoạn mục của The Washington Post

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.