(HNM) - Là bán đảo có phong cảnh tuyệt đẹp ở cực nam Ukraine, tuy nhiên do sở hữu vị trí đắc địa cùng nhiều vấn đề lịch sử phức tạp để lại, Crimea luôn âm ỉ những mâu thuẫn và trở thành điểm
Những trang sử thăng trầm
Crimea được biết đến là nước cộng hòa tự trị Crimea có diện tích 26.200km2 và dân số trên 1,9 triệu người, nằm trên một phần lục địa phía nam của Ukraine giữa Biển Đen và Biển Azov, ngăn cách với Nga ở phía đông bằng eo biển hẹp Kerch. Tuy cơ quan lập pháp của vùng này không được ban hành luật nhưng Crimea được tự chủ về ngân sách và có Hiến pháp riêng từ năm 1999.
Bản đồ Crimea. |
Nhìn lại lịch sử từ cách đây hơn 2 thế kỷ, bán đảo Crimea đã liên tục chìm trong các cuộc chiến giữa đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và Nga. Một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất kéo dài từ tháng 10-1853 và kết thúc vào tháng 2-1856. Bắt nguồn từ những mâu thuẫn tôn giáo do Nga Hoàng bênh vực các thần dân Chính thống giáo chịu sự đô hộ của Đế quốc Ottoman vốn đang suy yếu; Ottoman tuyên chiến với Nga bằng trận đánh Oltenitza, mở màn cuộc chiến tranh Crimea. Sau đó, Anh, Pháp và Sardinia lần lượt đứng về phía Ottoman và tham gia trận chiến. Chiến sự diễn ra trên một khu vực rộng - từ bán đảo Crimea, nhiều khu vực ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay tới vùng biển Baltic. Tuy nhiên, chiến trường khốc liệt và đẫm máu nhất nằm trên bán đảo Crimea. Sau hơn 3 năm, quân đội Nga - lực lượng vũ trang tinh nhuệ nhất Châu Âu trong mắt Nga Hoàng Nikolai đệ nhất - đại bại. Theo thống kê của các sử gia, Nga mất khoảng 220.000 người trong tổng số 700.000 binh sĩ tham chiến. Trong khi đó, phe liên minh gánh chịu tổn thất lên tới 300.000 - 375.000 người. Đế quốc Ottoman mất 95.000 - 175.000 người. Khoảng 95.000 lính Pháp, hơn 21.000 lính Anh và hơn 2.000 lính Sardinia tử trận... Giới sử gia còn coi đây là cuộc chiến tranh hiện đại đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Với những kỹ thuật tác chiến vượt trội, cuộc chiến tranh Crimea đã thay đổi hoàn toàn phương thức tác chiến của quân đội các quốc gia. Thậm chí, giới học giả còn coi xung đột ở Crimea là nền tảng của Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Sau cuộc chiến, các bên đã ngồi vào bàn đàm phán. Crimea vẫn thuộc lãnh thổ Nga; đổi lại, Nga chấp nhận chia sẻ quyền kiểm soát Biển Đen cho các bên liên quan.
Hơn nửa thập kỷ sau, Crimea tiếp tục chìm vào các cuộc xung đột khác nhau cho tới sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, bán đảo này trở thành một bộ phận của Liên bang Xô Viết. Đầu năm 1954, nhân kỷ niệm 300 năm hiệp ước Pereiaslav, khẳng định sự gắn bó của Ukraine với Nga, nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev đã "tặng" Crimea cho Ukraine. Vào thời điểm đó, việc trao bán đảo xinh đẹp cho Ukraine chỉ mang ý nghĩa biểu tượng vì Ukraine và Nga đều đang khoác chung "chiếc áo" Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, sau biến động lịch sử vào năm 1991, Liên bang Xô Viết sụp đổ, Nga và Ukraine trở thành 2 thực thể độc lập, những hệ quả của vụ "chuyển nhượng" nói trên mới lộ diện.
"Mắt xích" quan trọng trên Biển Đen
Trước hết, do ảnh hưởng từ lịch sử nên phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea hiện nay là người Nga, chiếm hơn 58% tổng số dân cư. Vì vậy, hầu hết dân cư trên bán đảo sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính. Việc sáp nhập Crimea vào Ukraine nằm ngoài mong muốn của đa số người dân ở bán đảo này. Bên cạnh đó, thành phố cảng Sevastopol thuộc Crimea lại là nơi đồn trú Hạm đội Biển Đen của Nga từ nhiều năm qua và được coi là một căn cứ quân sự giữ vai trò chiến lược quan trọng với Nga. Bên cạnh vai trò giúp hải quân nước này bảo đảm tầm ảnh hưởng trong khu vực, Sevastopol cũng là cánh cửa duy nhất mở ra Địa Trung Hải cho các tàu chiến của Nga.
Cũng từ sau biến cố vào đầu những năm 1990, Sevastopol trở thành điểm "nhạy cảm" trong quan hệ ngoại giao giữa Mátxcơva và Kiev. Đặc biệt, sau khi làn sóng cách mạng sắc màu tràn qua không gian hậu Xô Viết, trong đó có Ukraine vào đầu những năm 2000 nhằm thay thế các chính quyền thân Nga bằng một chính quyền thân phương Tây, nguy cơ quân đội Nga bị đẩy ra khỏi Sevastopol luôn thường trực. Trên thực tế, đây là kịch bản được tính toán kỹ lưỡng trong dự án Đông tiến của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) với mục đích thu hẹp tầm ảnh hưởng Nga và giành quyền kiểm soát Biển Đen. Vì vậy, khi Chính quyền thân Nga của Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ trong cuộc cách mạng Cam năm 2004 và thay thế bằng một chính quyền thân phương Tây, Sevastopol luôn được coi là một quân bài để Kiev đưa ra trong các cuộc thương lượng với Nga. Đã có thời kỳ, căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng đến mức tưởng chừng Kiev sẽ không gia hạn hợp đồng duy trì căn cứ hải quân của Nga tại Sevastopol khi văn bản thỏa thuận giữa hai nước này kết thúc vào năm 2017. Nhưng, khi Tổng thống Viktor Yanukovych tái đắc cử năm 2010, một thỏa thuận đã được ký kết ngay sau đó cho phép Nga duy trì quân đội tại Sevastopol đến năm 2041. Cũng theo thỏa thuận này, Nga có quyền triển khai 25.000 quân cùng một số khí tài ở Sevastopol.
Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Ukraine có thể dẫn đến viễn cảnh Crimea ly khai vì đa số người dân trên bán đảo ủng hộ Nga và phản đối chính quyền lâm thời mà họ cho là vi hiến. Theo giới phân tích, Nga không cần phải tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine, bởi Mátxcơva đã đạt được những mục tiêu bằng việc nắm quyền kiểm soát bán đảo Crimea. Theo các nhà phân tích, việc Nga phải làm trong lúc này chỉ là bảo đảm cho cuộc trưng cầu dân ý về việc mở rộng quyền tự trị của Crimea diễn ra suôn sẻ. Với đa số cử tri là người Nga thì một kết quả có lợi cho Mátxcơva không phải là điều gây bất ngờ.
Phân tích những diễn biến vừa xảy ra trên bàn cờ chính trị Ukraine, có thể thấy Mỹ và EU đã bị bất ngờ trong bối cảnh có vẻ như Nga đang yếu thế. Dù các nước phương Tây có tung ra nhiều cảnh báo, chỉ trích gay gắt, nhưng nếu xét một cách tổng thể thì Mỹ và EU không đủ cơ sở phê phán điện Kremlin vì Washington và Brussel cũng từng tuyên bố chống khủng bố, bảo vệ nhân quyền… để tiến hành chiến tranh và chiếm đóng Afghanistan, Iraq, cổ súy cho Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia... Đúng như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói: "Mỹ giống như ngồi trong phòng thí nghiệm, dùng chuột bạch làm các kiểu thí nghiệm, mà không tính đến hậu quả".
Ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống V.Putin đã đặt trụ cột quan trọng trong chính sách ngoại giao là hình thành một liên minh Á - Âu trên cơ sở Liên minh Hải quan do Nga lãnh đạo, với thành viên là các nước trước đây thuộc Liên Xô. Liên minh này được nhận định là một đối trọng với EU trong cán cân quyền lực khu vực và Ukraine là một mắt xích quan trọng. Vì vậy, việc đưa Ukraine ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga là không đơn giản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.