Theo dõi Báo Hànộimới trên

CPI giảm 1 tháng chưa thể khẳng định là giảm phát

Văn Chính| 29/06/2012 14:10

TS. Lê Đình Ân khẳng định, CPI tháng 6 ở mức âm 0,26% chưa thể khẳng định là nền kinh tế đã giảm phát.


Theo TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia, năm nay lạm phát sẽ được kiềm chế vào khoảng 5-5,5%.


Nhưng về cơ bản vẫn cần đẩy mạnh sản xuất trong nước. Do đó, kể cả nếu các ngân hàng thương mại có các chính sách hỗ trợ sản xuất mà khiến lạm phát lên tới 7-8% thì điều đó tốt hơn là để 5,5% như hiện nay.

Nhìn lại thời gian qua, kinh tế vĩ mô đã dần ổn định, được thể hiện rõ ở tỷ lệ lạm phát thấp, tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới chỉ tăng 2,78% so với tháng 12 năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Cán cân thanh toán quốc tế đang có chiều hướng tích cực, trong đó cán cân thương mại quý I, quý II/2012 đã được cải thiện rõ rệt.

Thị trường ngoại hối đã được kiểm soát, tỷ giá giữ được ổn định suốt từ đầu năm. Thị trường vàng được quản lý tốt hơn và vàng miếng bị loại ra khỏi chức năng thanh toán.

Khu vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu cơ bản trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp như lương thực, nông sản thực phẩm và lĩnh vực xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo được an sinh xã hội.

Sau 38 tháng liên tục tăng ở ngưỡng dương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6 đã bắt đầu giảm với mức âm 0,26%.

Có ý kiến cho rằng từ lo ngại lạm phát, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề ngược lại là kinh tế giảm phát.

Về vấn đề này, TS. Lê Đình Ân, phân tích, CPI giảm sẽ tạo một dư địa chính sách để Chính phủ có điều kiện để giảm lãi suất huy động và cho vay, đồng thời, có điều kiện áp dụng các chính sách và các giải pháp cơ bản khác như: đẩy mạnh xây dựng cơ bản, giải ngân ODA và có điều kiện để làm giảm bớt sự đình trệ của thị trường bất động sản và các thị trường khác. Mặt khác, chưa thể nói rằng CPI tháng 6 âm 0,26% là kinh tế đã bắt đầu giảm phát mà đây chỉ là biểu hiện của hiện tượng giảm phát. Vấn đề này cần được tiếp tục theo dõi.

Trong dài hạn, để phát triển bền vững, rất cần việc tái cơ cấu trúc tổng thể nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế, tái cấu trúc DNNN.

Còn theo TS Phạm Đỗ Chí, chuyên gia dự án Star Plus, kích thích sức mua có thể tập trung hỗ trợ nông dân vì đây là lực lượng tiêu dùng lớn, việc kích thích bằng hỗ trợ công nghệ, vốn, kết nối với nhà tiêu thụ sản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
CPI giảm 1 tháng chưa thể khẳng định là giảm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.