Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cote d'Ivoire lại cận kề nội chiến

Vân Khanh| 09/03/2011 06:46

(HNM) - Cuộc bầu cử được chờ đợi như là một cơ hội để hàn gắn đất nước Cote d'Ivoire sau nội chiến đẫm máu năm 2003-2004 cuối cùng lại là nguyên nhân đẩy quốc gia Tây Phi lún sâu hơn vào vòng xoáy của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn mới.


Chưa biết những vũ khí hạng nặng đang được cả hai Tổng thống đắc cử và thất cử sử dụng để bảo vệ quyền lực những ngày qua sẽ mang lại thắng lợi cho ai, nhưng hậu quả mà nó gây ra đã đủ hình thành một làn sóng di tản khổng lồ của người dân sang nước láng giềng Liberia để chạy trốn bạo lực ngày một tăng nhanh. Cuộc sống khốn khó tại vùng đất đang điêu tàn hơn vì loạn lạc đã biến trung tâm buôn bán ngà voi sầm uất nhất châu Phi một thời (gắn liền với tên quốc gia Bờ biển Ngà) thành điểm đen nhức nhối về nhân đạo.

Dòng người tị nạn Cote d'Ivoire đổ về biên giới Liberia.

Theo số liệu của Tổ chức Oxfam (Anh), dòng người tị nạn Cote d'Ivoire chạy loạn tới Liberia khoảng 100 người/ngày vào thời điểm cuộc khủng hoảng ở nước này bắt đầu tháng 11-2010 đã tăng đột biến lên khoảng 30.000 người trong vòng hai tuần lễ qua. Nhận được giúp đỡ của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cả trong quá trình di trú từ trong nước lẫn việc tìm nơi tạm cư và định cư mới nơi xứ người, nhưng làn sóng di tản ồ ạt đang khiến cố gắng cứu trợ của cộng đồng quốc tế trở thành nhỏ nhoi. Hiện có tới 70.000 người Cote d'Ivoire đang tập trung tại khu vực biên giới trong điều kiện thiếu thốn lương thực, nước uống, phương tiện y tế, nơi cư trú... Một thảm họa nhân đạo ở quốc gia Tây Phi này chỉ là một sớm một chiều nếu bế tắc trên chính trường không sớm được gỡ bỏ.

Chiến sự ở Cote d'Ivoire có dấu hiệu khốc liệt hơn cũng đang là mối lo ngại với Liberia khi dòng người tị nạn sẽ còn tiếp tục đổ về biên giới Liberia trong những ngày tới. Áp lực tiếp nhận người di tản không chỉ là quá sức với một đất nước vừa thoát khỏi gần 10 năm nội chiến với cơ sở hạ tầng tan nát như Liberia mà còn có thể đe dọa đến sự ổn định của nước này. Thách thức không chỉ với Liberia mà còn cả với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, nỗi khổ của người đã sang được biên giới có lẽ cũng còn là niềm mơ ước của nhiều công dân Cote d'Ivoire đang phải ngày ngày đối diện với bom, đạn, giết chóc và cả cưỡng bức. Con số các vụ giết hại thường dân không có vũ khí đang gia tăng đến mức báo động. Ước tính khoảng 370 người đã thiệt mạng trong cuộc đối đầu chính trị tại Cote d'Ivoire những ngày qua mà Liên hợp quốc đưa ra được cho là chưa sát thực. Nhưng chừng đó cũng đủ khiến dư luận đồng tình với lo lắng của UNHCR là thường dân đang được sử dụng như con tin trong các cuộc giao tranh hiện nay ở Cote d'lvoire.

Do chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ các nỗ lực hòa giải của các nước châu Phi, thậm chí là đe dọa sử dụng vũ lực sẽ khiến Tổng thống thất cử Laurent Gbagbo rời bỏ chiếc ghế quyền lực, đã có hơn 200.000 người tìm mọi cách tháo chạy khỏi một số khu vực ở bên trong và xung quanh thủ đô thương mại Abidjan, nơi đụng độ đang diễn ra ác liệt nhất. Tình cảnh nhiều gia đình bị chôn chân tại các nhà thờ và nơi công cộng mà không nhận được bất kỳ đồ cứu trợ nào và không thể dời đi nơi khác đang là mối quan tâm khẩn thiết của LHQ. Đáng tiếc là hoạt động hỗ trợ những người đang phải tị nạn tại chính quê hương mình còn gặp nhiều trở ngại hơn do sự bất hợp tác của ông L.Gbagbo với các nhân viên LHQ khi cho rằng đây là lực lượng ủng hộ đối thủ Alassane Ouattara được cả thế giới công nhận.

Cuộc tranh giành ảnh hưởng chính trị giữa Tổng thống thất cử L.Gbagbo và Tổng thống đắc cử A.Ouattara đang biến thành cuộc đối đầu bằng bạo lực. Một giải pháp phá vỡ thế bế tắc hiện nay ở Cote d'Ivoire càng trở nên cấp thiết hơn khi một cuộc nội chiến đã đến rất gần. Khi cả thế giới đang lo ngại những diễn biến nóng bỏng tại Libya và đang dồn nguồn lực để tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây thì, tình trạng khẩn trương ở Cote d'Ivoire cũng có đầy đủ lý do để không thể bị lãng quên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cote d'Ivoire lại cận kề nội chiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.