Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cột mốc trong quan hệ Mỹ - Hàn

Hoàng Linh| 26/09/2018 06:27

(HNM) - Sau hơn 1 năm đàm phán, Thỏa thuận tự do thương mại (FTA) song phương giữa Mỹ và Hàn Quốc vừa được Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Moon Jae-in đặt bút ký...

Việc ký Thỏa thuận tự do thương mại mới đã giảm bớt bất đồng trong quan hệ Mỹ - Hàn Quốc.


Theo người đứng đầu Nhà Trắng, văn kiện mới với đồng minh lâu năm tại châu Á là một “cột mốc quan trọng” trong lịch sử thương mại thế giới. Thời gian qua, Tổng thống D.Trump đã nhiều lần dọa rút khỏi văn bản vốn có hiệu lực từ năm 2012 này. Thậm chí, trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhà lãnh đạo Mỹ đã gọi thỏa thuận ban đầu là “nhân tố giết chết việc làm của người Mỹ” khi cho rằng các điều khoản là nguyên nhân khiến thâm hụt thương mại của xứ Cờ hoa gia tăng.

Việc ký kết FTA mới giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại hai bên đã có nhiều thay đổi theo hướng thuận lợi. Mức thâm hụt thương mại trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa Washington với Seoul đang trên đà giảm mạnh, từ khoảng 16 tỷ USD trong năm 2016 xuống chỉ còn 9 tỷ USD hồi năm ngoái. Xu hướng này được xem là hệ quả của việc Hàn Quốc mở rộng hoạt động mua sắm máy móc, khí ga tự nhiên hóa lỏng và một số hàng hóa khác từ Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, dù việc ký lại FTA song phương là dấu mốc đáng ghi nhớ và nhận được sự hoan nghênh từ doanh nghiệp của Mỹ và Hàn Quốc, nhưng những thay đổi chưa thực sự đáng kể. Trong khi Tổng thống D.Trump gọi bản thỏa thuận là “hoàn toàn mới” thì người đồng cấp Moon Jae-in lại coi đây chỉ là “sự điều chỉnh” của văn bản trước đó. Mặt khác, ông chủ Nhà Trắng cũng giới hạn phạm vi đàm phán để không cần kích hoạt Luật Thương mại Mỹ, tránh cho thỏa thuận phải có sự thông qua của Quốc hội nước này. Những điều khoản cũng chưa thực sự mang tính đột phá. Một ví dụ cụ thể là FTA mới tuy đã loại bỏ thép của Hàn Quốc ra khỏi các mặt hàng bị đánh thuế, nhưng Seoul sẽ phải hạn chế lượng xuất khẩu mặt hàng này tới Mỹ ở con số 70% mức trung bình hằng năm của giai đoạn 2015-2017.

Trong khi đó, hàng rào thuế với nhôm sẽ vẫn giữ nguyên. Tương tự, một trong những thay đổi quan trọng của FTA vừa ký kết là tăng giới hạn số lượng ô tô mà mỗi hãng xe Mỹ có thể bán tại Hàn Quốc lên gấp đôi (tương đương 50.000 chiếc/mỗi năm). Song, thực tế thì chưa có hãng xe nào của Mỹ đạt doanh số bán ra hơn 10.000 xe trong nhiều năm qua bởi người dân xứ Kim chi vẫn ưa chuộng sản phẩm nội địa. Ngoài ra, FTA mới cũng chưa có biện pháp hạn chế Seoul làm suy yếu đồng nội tệ (won) để tạo lợi thế cho hoạt động nhập khẩu, điều mà giới chức Mỹ trước đây vẫn thường xuyên chỉ trích.

Một chi tiết đáng chú ý là dù không cần Quốc hội Mỹ thông qua, thỏa thuận lần này sẽ phải có sự nhất trí của Quốc hội Hàn Quốc. Hiện nay, các nghị sĩ xứ Kim chi vẫn cảnh báo sẽ không thông qua văn kiện nếu Mỹ áp thuế lên xe hơi Hàn Quốc như một phần trong kế hoạch đánh thuế ô tô nhập khẩu nói chung mà ông chủ Nhà Trắng đe dọa sẽ thực thi để bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi Mỹ.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng việc ký lại FTA song phương đã giảm bớt gai góc trong quan hệ Mỹ - Hàn Quốc vốn trở nên khá căng thẳng trong thời gian qua do vấn đề chi phí liên minh quân sự. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt khi hai nước đang hợp tác để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời cũng xóa bỏ nhiều nghi ngại, tạo ra môi trường ổn định để các công ty của hai nước xúc tiến hoạt động trao đổi thương mại mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cột mốc trong quan hệ Mỹ - Hàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.