Phiến quân M23 đang hướng về Bukavu – thủ phủ tỉnh South Kivu của Congo, làm dấy lên nguy cơ xung đột sẽ lan rộng trong khu vực.
Ngày 1-2, theo hãng thông tấn TASS, phiến quân M23 dưới sự hỗ trợ của quân đội Rwanda chỉ còn cách thành phố Bukavu 60 km. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix cho biết, hai lực lượng này đang tiến quân với tốc độ cao, trong bối cảnh tình hình phía Đông Congo ngày càng phức tạp, có nguy cơ khiến xung đột khu vực lan rộng.
Bukavu, thành phố với dân số hơn 1 triệu người, nằm ở bờ biển phía Nam hồ Kivu. Bờ biển phía Đông của hồ này là một phần thuộc Rwanda. Phiến quân M23 cũng đã giành quyền kiểm soát Goma – thành phố trọng điểm là thủ phủ của tỉnh North Kivu ở miền Đông Congo.
Đụng độ giữa M23 và quân chính phủ Congo tại Goma đã khiến ít nhất 700 người thiệt mạng và khoảng 2.800 người bị thương. Số thương vong dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng sau khi có thêm thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác.
Hiện tại, tình hình ở Goma đã tạm lắng. Sau khi nắm quyền kiểm soát, phiến quân M23 đã thành lập một cơ quan quản lý thành phố này. Điện và nước đã được cung cấp trở lại cho các khu phố ở phía Nam Goma.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã bày tỏ sự quan ngại đối với an toàn của dân thường tại miền Đông Congo. Giao tranh dai dẳng giữa các bên tham chiến khiến 4,6 triệu người ở South Kivu và North Kivu phải di dời. Tính từ đầu năm 2025, hơn 400.000 người đã phải di dời do xung đột leo thang.
Toàn bộ tuyến đường nhân đạo giữa thành phố Goma, các thị trấn Sake và Kalehe đã bị cắt đứt do ảnh hưởng của giao tranh, trong khi các cơ sở y tế cũng rơi vào tình trạng quá tải.
Trong bối cảnh miền Đông Congo đặc biệt phức tạp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi M23 ngay lập tức chấm dứt tấn công, rút khỏi mọi khu vực chiếm đóng và tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hồi tháng 8-2024.
Ở diễn biến liên quan, phát ngôn viên chính phủ Rwanda Yolande Makolo tuyên bố, quốc gia này không muốn thay đổi chế độ ở Congo mà chỉ đang tự vệ do lo ngại sự hiện diện của Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda tại Congo. Đây là nhóm vũ trang bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho cuộc diệt chủng người Tutsi năm 1994.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Congo Therese Kayikwamba tuyên bố, Rwanda đang âm mưu thay đổi chế độ ở quốc gia này và chiếm đóng bất hợp pháp một phần lãnh thổ. Chính trị gia này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt đối với Rwanda.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.