(HNM) - Kết thúc lớp học dạy nông dân cách nuôi bò sữa, anh Nguyễn Viết Điệp và nhiều nông dân xã Tản Lĩnh, Ba Vì (Hà Nội) hớn hở chuẩn bị mở rộng quy mô chăn nuôi.
Từ nay, anh Điệp và các hộ nuôi bò sữa ở Ba Vì có thể yên tâm đầu tư vì đã nắm vững kỹ thuật nhờ chương trình liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp (DN) và nhà nông. Còn nhớ năm 2009, trước khi có chương trình liên kết giữa các "nhà", nông dân nuôi bò sữa Ba Vì đa phần thiếu kiến thức kỹ thuật chăm sóc nên bò cho ít sữa, nhiều hộ chăn nuôi lỗ nặng, kinh tế lao đao.
Đây là kết quả phối hợp giữa Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) - doanh nghiệp tiêu thụ sữa của bà con với Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì để mở lớp dạy nông dân nuôi bò sữa miễn phí. Mỗi khóa học kéo dài 7 ngày, cho 45-50 người học. Chủ hộ chăn nuôi bò được các chuyên gia cung cấp kiến thức về kỹ năng chăn nuôi, chế độ dinh dưỡng, cách chọn giống, cách vắt sữa... Nếu không có kỹ năng và kiến thức xử lý các tình huống khi bò ngã nước, sốt sữa, viêm vú... bò sữa sẽ sớm bị thải loại, dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế, vì mỗi con bò có giá hơn 30 triệu đồng. Năm trước, vì không có kiến thức chăn nuôi, có đến 30% số bò của Tản Lĩnh bị thải loại, nhiều hộ nông dân "treo" chuồng. Những tháng đầu năm 2010, nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, gia đình anh Điệp nuôi 5 con bò, mỗi ngày thu 30kg sữa/con, bán với giá 8.700 đồng/kg cho IDP nên cuộc sống gia đình luôn sung túc. Cùng với anh Điệp, nhiều gia đình ở Tản Lĩnh chọn nuôi bò sữa là nghề làm giàu, nên đã chuyển đổi hầu hết diện tích trồng sắn, chè sang chuyên canh đồng cỏ.
Liên kết đào tạo giữa DN và nhà nông giải quyết được khó khăn của bà con về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, khắc phục rủi ro. Nông dân Hà Nội mong muốn các DN nhân rộng hình thức liên kết này để giúp nhà nông làm giàu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.