Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công trình xây dựng ''khát'' lao động thời vụ

Dung - Hiệp| 30/09/2021 06:09

(HNM) - Sau khi thành phố Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, vẫn còn nhiều lao động tự do ở các địa phương khác không đủ điều kiện để cấp giấy đi đường nên việc trở lại Thủ đô làm việc gặp khó khăn. Đây cũng là lý do khiến các chủ công trình xây dựng, dự án có nhu cầu sử dụng lao động thời vụ, lao động tự do như “ngồi trên đống lửa” vì không thể tuyển được lao động.

Nhiều công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội không thể tuyển được lao động theo nhu cầu.

Nhiều lao động chưa thể quay lại Hà Nội

Trong những ngày này, anh Vũ Văn Lập, sinh năm 1982 quê ở tỉnh Ninh Bình rất sốt ruột khi chủ thầu xây dựng liên tục gọi anh quay trở lại Hà Nội tiếp tục làm việc tại một công trình nhà ở còn dang dở. Anh Lập cho biết, anh về quê từ ngày 23-7. Đến nay, Hà Nội đã nới lỏng giãn cách, nhưng anh không thể lên Hà Nội được vì thực hiện thủ tục xin giấy đi đường đối với lao động tự do rất khó.

Trong khi đó, nhiều chủ công trình xây dựng nhà ở tại Hà Nội cũng đang "đứng ngồi không yên" do "khát" lao động thời vụ. Anh Nguyễn Văn Thuyết, nhà ở đường Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng) lo lắng vì công trình xây dựng nhà ở 7 tầng của gia đình đã tạm dừng thi công 2 tháng nay. Sau khi được phép xây dựng trở lại, anh Thuyết đã liên hệ với chủ thầu để thi công trở lại nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu do cả đội thợ 7 người ở tỉnh Thanh Hóa không thể ra Hà Nội ngay vì không có giấy đi đường.

Không chỉ công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ mà các dự án lớn của thành phố cũng gặp khó khăn trong việc tuyển lao động thời vụ. Anh Nguyễn Đức Hưng, cán bộ quản lý an toàn Công ty cổ phần Fecon, đơn vị đang thi công dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 cho biết, dự án được phép thi công trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên công ty vẫn duy trì hơn 80 công nhân làm việc. Tuy nhiên, đối với các phần việc đơn giản, khoảng 40% lao động thời vụ đã nghỉ việc, nay thiếu hụt do phần lớn lao động chưa thể quay lại làm việc.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 27-9, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận tại chốt kiểm dịch số 1 của thành phố trên quốc lộ 1A hướng từ tỉnh Hà Nam về Hà Nội, các trường hợp qua chốt đều phải tiến hành khai báo y tế, quét mã QR, xuất trình giấy xét nghiệm PCR âm tính có giá trị trong 3 ngày, căn cước công dân (hoặc chứng minh thư nhân dân) và giấy đi đường. Những trường hợp không đủ thủ tục thì không được vào thành phố.

Về việc khan hiếm lao động tự do ngành Xây dựng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành chia sẻ, trái ngược với việc nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau khi hoạt động trở lại phải đối mặt với khó khăn do dư thừa lao động, thì một số lĩnh vực như: Xây dựng, cơ khí lại có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan nên nhiều lao động chưa thể quay lại Hà Nội làm việc, khiến thị trường lao động lĩnh vực này bị thiếu hụt.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của người đi đường tại chốt kiểm soát phòng dịch số 1, trên quốc lộ 1A hướng từ tỉnh Hà Nam về thành phố Hà Nội.

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu

Theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), Trưởng chốt kiểm dịch số 2 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, người lao động - thông qua các phương tiện thông tin đại chúng - cần nắm bắt kỹ thông tin, điều kiện cần để chuẩn bị đủ giấy tờ, khi vào Hà Nội sẽ nhanh chóng được qua chốt, không phải quay về.

Đưa ra giải pháp trước mắt, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ - việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, Trung tâm đang đề xuất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội rà soát, sàng lọc các lao động tự do được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 theo chính sách của Chính phủ, thành phố hiện đang sống trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để có biện pháp kết nối cung - cầu lao động với các đơn vị, doanh nghiệp… có nhu cầu sử dụng lao động thời vụ, lao động tự do. Đồng thời, tiến hành khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, sau đó, khớp nối với nhu cầu của lao động để kết nối việc làm.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cho biết, quận sẵn sàng phối hợp, cung cấp danh sách người lao động đã nhận tiền hỗ trợ khó khăn hiện đang sinh sống trên địa bàn quận để hỗ trợ cung - cầu lao động. Bên cạnh đó, quận tiếp tục tuyên truyền, thông báo trên các website, mạng xã hội, thông báo đến các tổ dân phố để người lao động nắm rõ tình hình các đơn vị, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động, từ đó tìm kiếm đúng nhu cầu.

Trước nguy cơ mất cân đối cung - cầu lao động trong nhiều lĩnh vực, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã yêu cầu các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các giao dịch về lao động, việc làm trực tuyến, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng hiện nay.

Với những giải pháp trên, có thể hy vọng khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở một số ngành, trong đó có ngành xây dựng như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công trình xây dựng ''khát'' lao động thời vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.