(HNMO) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại lễ khởi công dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, một trong những dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổ chức sáng nay (30-9), tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Tham dự lễ khởi công có Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Cũng trong sáng nay, tại tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát lệnh khởi công đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; tại tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã phát lệnh khởi công xây dựng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Ba dự án này, với tổng vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến cuối năm 2022) cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao.
Với chiều dài dự kiến 654 km, gồm 11 dự án thành phần, dự án cao tốc Bắc - Nam kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ...
Dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 đi qua địa phận 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa có chiều dài 63,37 km, thời gian thi công 2 năm. Phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế (bề rộng nền đường 17 m); vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe (32,25 m), vận tốc thiết kế 120 km/h.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, sẽ tập trung mọi nguồn lực quản lý dự án, coi đây là dự án mẫu mực của ngành giao thông.
Đại diện các nhà thầu thực hiện dự án, Đại tá Nguyễn Minh Khiêm, Tổng Giám đốc Công ty 319 - Bộ Quốc phòng cam kết, sẽ huy động tối đa nhân, vật lực, tập trung cao độ để bảo đảm chất lượng công trình, tiến độ được giao. Đồng thời giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, nơi công trình đi qua.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đã đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị để khởi công dự án. Thủ tướng cũng đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An đã thúc đẩy giải phóng mặt bằng… Nhờ đó, đến nay công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc này đã hoàn thành đến hơn 93%.
Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao, biết ơn người dân các địa phương đã ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, về nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho công trình trọng điểm quốc gia này.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngày 30-9 là một ngày có ý nghĩa đối với đất nước, đặc biệt đối với ngành Giao thông Vận tải vì chúng ta đã đồng loạt triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và ngay tháng 10-2020 sẽ tiếp tục làm hồ sơ liên quan để khởi công 5 dự án còn lại. Nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì chúng ta có được gần 2.000km cao tốc.
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ để ngay trong nhiệm kỳ tới, ngay từ năm đầu, phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000km cao tốc. Chúng ta quyết tâm phấn đấu làm hệ thống giao thông tốt nhất, đáp ứng sự phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó, hệ thống giao thông phải đi trước một bước.
Thủ tướng cũng lưu ý không được để xảy ra tình trạng bán thầu, nhiều thầu phụ ăn chênh lệch; không được sử dụng vật liệu kém chất lượng để thi công, không làm sai các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật. Làm sai thì phải xử lý nghiêm; phải nêu cao vai trò của các cơ quan tư vấn, giám sát; bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự. Công trình cao tốc Bắc - Nam phải là công trình mẫu mực. Về phía các địa phương nơi dự án đi qua phải tính toán việc kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế với tuyến cao tốc này để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Như vậy, với cả ba đoạn tuyến có tổng vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng được khởi công đồng loạt sáng 30-9, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến cuối năm 2022) cùng với các dự án thành phần khác sẽ từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao.
Với chiều dài dự kiến 654km, gồm 11 dự án thành phần, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.