Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công trạng mang tên Falcao

Huy Hoàng| 11/05/2012 06:30

(HNM) - Ba mươi năm trước, khán giả Tây Ban Nha từng lên cơn sốt với những pha ''ảo thuật'' siêu hạng trên sân bóng của một cầu thủ mang tên Falcao ở Espana 1982. Ba mươi năm sau, một cầu thủ có tên tương tự lại mang về cho xứ Bò tót danh hiệu Europa League với cú đúp bàn thắng cùng phong độ sáng chói.

Falcao (phải) tỏa sáng với một cú đúp vào lưới Bilbao.

Giữa hai cầu thủ trên có mối liên hệ nào không? Câu trả lời là không, ngoại trừ mối dây liên kết là người đàn ông mang tên Radamel Garcia. Cựu trung vệ CLB Independiente Santa Fe (Colombia) này là người sùng bái danh thủ Falcao của ĐT Brazil. Tại Espana 1982, dưới sự dẫn dắt của HLV Tele Santana, tiền vệ Falcao cùng với các đồng đội Zico, Socrates, Toninho Cerezo, Eder... tạo nên một trong những hàng tiền vệ hay nhất trong lịch sử World Cup. Lối chơi ngẫu hứng, đẹp mắt của Falcao đã khiến cho hàng triệu fan mê mẩn và một trong những người ''cuồng tín'' nhất là Radamel Garcia. Ông đã quyết định đặt tên cho cậu con trai của mình là Falcao thay vì giữ nguyên cái tên Garcia truyền thống. Chỉ vài tháng sau khi ''Falcao bé" ra đời, ''Falcao lớn" chia tay sân cỏ sau khi bị ĐT Pháp của Michel Platini loại ở tứ kết Mexico 1986 nên cậu bé không có cơ hội chứng kiến thần tượng của mình thi đấu. Trong suốt quãng đời niên thiếu, những câu chuyện về chiến công của Falcao cùng các đồng đội do ông bố Garcia kể đã khơi gợi ước mơ cháy bỏng chinh phục đỉnh cao của cậu bé Falcao.

Cứ thế, ước mơ đó lớn dần và giúp cậu bé luôn giữ được quyết tâm cao nhất, kể cả khi ''khăn gói quả mướp'' sang Argentina học đá bóng và bị hàng loạt CLB từ chối ký hợp đồng. Đúng vào lúc thất vọng nhất, chuẩn bị trở lại Colombia thì cậu nhận được lời mời của CLB nổi tiếng River Plate và bắt đầu tập luyện ở đây từ năm 15 tuổi. Được đào tạo ở lò chất lượng cao nên Falcao dần hoàn thiện những kỹ năng chơi bóng của mình, nhất là khả năng bứt phá tốc độ cùng những cú đánh đầu cực mạnh.

Phong độ tốt của Falcao ở Argentina đã làm hai đại gia của Bồ Đào Nha là Benfica và Porto mê mẩn. Benfica đã suýt lấy về cầu thủ này, nhưng chỉ vì tiếc khoản tiền 700.000 euro mà đội này đã kết thúc đàm phán, đánh rơi ''viên ngọc thô'' vào tay Porto vài ngày sau. Đến với Porto, Falcao như cá gặp nước, anh lập tức tỏa sáng trong mùa đầu tiên với 34 bàn thắng trên mọi đấu trường, giành danh hiệu Vua phá lưới. Ở mùa sau, Falcao ghi đến 39 bàn thắng và được nhận danh hiệu Quả bóng vàng của Bồ Đào Nha. Đặc biệt, ở Europa League năm 2010-2011, anh ghi được 17 bàn thắng, phá kỷ lục 15 bàn do danh thủ Jurgen Klinsman lập ở mùa bóng 1995-1996, đồng thời mang lại chức vô địch cho FC Porto. Tại trận bán kết Europa League năm đó, Falcao ghi 4 bàn thắng vào lưới Villarreal (Tây Ban Nha) và được nhiều chuyên gia săn cầu thủ xứ Bò tót để mắt đến.

Ngay lập tức, Falcao được Atletico Madrid mua về với giá 40 triệu euro, gấp hơn 10 lần số tiền Porto phải bỏ ra vào 2 năm trước. Falcao đã chứng minh là xứng đáng đến từng đồng xu khi ghi đến 23 bàn thắng ở La Liga, chỉ kém 2 chân sút hàng đầu thế giới là Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Tại Europa League, Falcao cũng chứng tỏ cái duyên của mình với hàng loạt bàn thắng quan trọng để đưa Atletico Madrid vào chung kết. Và trong trận đấu với Athletic Bilbao rạng sáng qua, Falcao góp 2 bàn trong chiến thắng 3-0 của đội nhà. Đây là lần thứ hai liên tiếp Falcao vừa giành Cúp vô địch Europa League vừa giành danh hiệu Vua phá lưới. Kỷ lục 29 lần ghi bàn sau 29 trận ở Europa League của Falcao chắc chắn là cột mốc rất khó phá.

Giờ thì Atletico Madrid phải lo giữ chân Falcao trước sự chèo kéo của hàng loạt ông lớn như Chelsea, Manchester City... Sau 3 năm, "Falcao bé'' đã dần tiến đến đẳng cấp của ''Falcao lớn" huyền thoại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công trạng mang tên Falcao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.