Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cống thải “đầu độc” sông hồ

Xuân Hải| 18/06/2016 06:40

(HNM) - Trong cái nắng như rang của trưa hè, con mương Yên Hòa lộ rõ dòng nước đóng váng, lềnh bềnh rác rưởi và đặc ruồi muỗi. Bên bờ, hàng chục miệng cống nhô ra, xả xuống lòng mương. Không khí ngột ngạt, người dân đóng kín cửa ngồi trong nhà nhưng vẫn phải đeo khẩu trang...

Cống và mương thoát nước thải đang từng ngày đầu độc sông hồ Hà Nội.


Tất cả "xả" xuống cống...

Mương Yên Hòa chạy vòng vèo quanh mấy tòa nhà của Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Đây là tuyến mương thoát nước quan trọng của khu vực, dẫn nước thải từ các khu dân cư ra sông Tô Lịch và đảm trách việc tiêu nước khi có mưa lớn. Thế nhưng đã từ lâu, con mương này gần như không còn dòng chảy. Rác nhiều quá. Rác ngập tràn mặt nước, rác bám vào chân cọc, gầm cầu, không trôi đi được. Dòng nước của mương Yên Hòa "ngậm" rác trở nên đen ngòm, nồng nặc hôi tanh.

Chỉ tay vào dãy nhà lụp xụp, dựng tạm bợ trên bờ mương, Nguyễn Văn Hùng, thợ sơn xe thuê trọ ở khu vực này cho biết, rác do những người sống dọc bờ mương xả xuống. Từ gạch đá, đất cát, túi ni lông, thức ăn thừa, đồ gia dụng hư hỏng… thậm chí chất thải của nhà vệ sinh cũng tống thẳng xuống mương. Vì thế, mương Yên Hòa bị thu hẹp dòng chảy, lòng mương cạn, nước không thể lưu thông, tình trạng ngập lụt khi có mưa thường xuyên xảy ra. "Ngày nắng trông mương Yên Hòa có vẻ "lành", chứ mưa lớn một trận thì nước dâng ngập đến chân giường. Có hôm anh em phải lội bì bõm mới ra được khỏi nhà", Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Cùng tình trạng như mương Yên Hòa là mương Thụy Khuê, đường thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ. Với chiều dài khoảng 3km (kéo từ dốc La Pho đến Cống Đõ), từ nhiều năm qua, con mương này đã bị hàng trăm cống nước thải của các hộ dân sống dọc hai bên bờ "bức tử".

Việc xả thẳng nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nơi đây đã khiến nước mương Thụy Khuê trở nên bẩn thỉu, nổi váng dày đặc. Chưa kể mỗi ngày mương Thụy Khuê còn phải hứng một lượng rác lớn từ chợ Tam Đa. "Rác ở chợ, dọn không hết người ta lại quét xuống mương. Mương nhỏ, gầm cầu thấp, rác bị mắc kẹt gây tắc nghẽn. Khi có mưa to, nước dồn lại, tràn lên hai bờ, đưa rác vào nhà dân, hôi thối không chịu được", chị Trần Ngọc Tú, cư dân sống trên đường Thụy Khuê phản ánh.

Tình trạng xả rác bừa bãi không chỉ xảy ra với các con mương thoát nước lộ thiên mà còn cả với hệ thống cống ngầm. Lê Văn Hưng, công nhân một xí nghiệp thoát nước cho biết, nạo vét, thông cống để bảo đảm dòng chảy là việc làm thường xuyên. "Dưới cống ngầm, không thiếu một thứ gì, từ đất đá, lá cây, túi ni lông, vỏ nhựa, kim tiêm, xác động vật… Với cách nghĩ, cốt sao nhà mình sạch là được, người ta vứt xuống cống đủ thứ. Mỗi lần lội xuống nạo vét cống ngầm ở các khu vực như chợ, bến xe, bệnh viện... chúng tôi sởn da gà vì rác. Độc hại nhất là cống thoát nước thải từ các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất như: mây tre đan, giặt là, nhuộm vải, y tế, luyện kim", Lê Văn Hưng cho biết.

Và ao hồ trở thành... hố ga

Việc vứt rác bừa bãi xuống cống, mương xả thải để lại hậu quả nhãn tiền là tình trạng tắc nghẽn ở hầu hết các tuyến thoát nước tại Hà Nội hiện nay. Do bị tắc nghẽn, hệ thống không thể tiêu thoát nước mỗi khi có mưa lớn kéo dài dẫn đến đường phố bị ngập úng cục bộ. Đây là thực trạng thường thấy tại các khu vực Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm), Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ (Nam Từ Liêm), đoạn qua Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông)…

Mỗi năm chi phí dành cho các hoạt động thông tắc cống, xử lý rác thải và khắc phục sự cố ở các hệ thống mương thoát nước của thành phố là rất lớn. Đây là một sự tốn kém, lãng phí làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực đầu tư phát triển của Thủ đô.

Mặt khác, việc xả rác bừa bãi xuống cống, mương thoát nước còn đẩy tình trạng ô nhiễm ao hồ, sông ngòi ở Hà Nội lên mức ngày càng trầm trọng. Theo báo cáo năm 2015 của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), trong số 30 hồ được khảo sát tại Hà Nội, 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Tất cả các hồ bị ô nhiễm đều có điểm chung: Phải nhận nước thải và rác của các hộ dân thông qua hệ thống cống.

Hồ Ao Phủ (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) là một trong những hồ ô nhiễm rất nặng. Nước hồ xanh rêu, váng nổi dày đặc, ngập tràn bèo tấm và rác thải. Xung quanh bờ hồ đã kè đá có hàng chục miệng cống ngầm, cống nổi ngày ngày xả thẳng nước thải và rác sinh hoạt xuống lòng hồ. Điều này cũng diễn ra với đa số hồ nước của Hà Nội hiện nay như hồ Kim Liên, Ngọc Khánh, Ba Mẫu, Thiền Quang… Và hồ nào cũng ngậm ngùi "gánh" quanh mình hàng chục miệng cống như thế. Nước cống thải tràn lan, hệ sinh thái động vật trong lòng các hồ nước bị tàn phá dữ dội. Hiện tượng cá chết đã diễn ra nhiều lần tại hồ Thiền Quang, Hoàng Cầu, Ngọc Khánh… gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Nghiêm trọng hơn, có những hồ đã "chết" vì ô nhiễm quá nặng như hồ Văn Chương, hồ Linh Quang (quận Đống Đa). Hai hồ nước này ví như hố ga tự nhiên của khu vực Đống Đa, hằng ngày phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải và rác của các hộ dân sống xung quanh nên không loại tôm, cá nào có thể sống nổi.

Cùng với các hồ nước, hệ thống sông hiện nay cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Các sông Tô Lịch, Lừ, Kim Giang, Nhuệ, Sét… đều bị ô nhiễm bởi nước thải từ nhiều nơi đổ về. Tại các dòng sông này, nước đục ngầu, đen sánh như dầu luyn, bốc mùi nồng nặc. Dưới lớp bùn lầy là vô số loại rác thải độc hại mà công nhân không có cách nào dọn sạch.

Lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm tới việc làm sống lại 9 dòng sông ô nhiễm ở Hà Nội, người dân đồng tình, ủng hộ quan điểm của thành phố, tuy nhiên để làm được việc này cần phải có một nguồn kinh phí khá lớn.

Và điều quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân trong việc cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ chính môi trường sống của mình. Nếu vẫn còn hiện tượng xả rác xuống cống thì sông hồ Hà Nội còn tiếp tục bị "đầu độc", hệ quả không chỉ là đường phố Hà Nội sẽ vẫn phải tiếp tục phải "oằn mình" chống đỡ những trận ngập của mùa mưa mà đáng sợ hơn là người dân sẽ mất đi nguồn tài nguyên mặt nước và hệ sinh thái quý giá gắn liền với sông, hồ Thủ đô. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cống thải “đầu độc” sông hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.